Responsive Navbar

Dân Dã Những Món Bánh Miền Trung Khiến Du Khách Mê Mẩn

Quốc Văn

23/11/2024

Miền Trung – vùng đất của nắng và gió – luôn là một địa điểm tuyệt vời cho mọi tín đồ du lịch, đặc biệt là những du khách yêu thích du lịch phượt. Bên cạnh những điểm đến cuốn hút, dải đất miền Trung còn khiến biết bao du khách phải lưu luyến bởi những món ăn đặc sản độc đáo và hấp dẫn mà không nơi nào có được. Trong số các món ăn miền Trung, các món bánh luôn là những đặc sản mà bạn không thể bỏ qua khi đến với dải đất đầy nắng và gió này. Haidangtravel sẽ giới thiệu cho bạn 4 món bánh miền Trung mà chúng tôi cho là hấp dẫn và không thể bỏ qua nhất mỗi khi bạn đến với vùng đất này. Hãy bắt đầu chuyến hành trình ẩm thực đầy thú vị dọc theo mảnh đất miền Trung cùng Haidangtravel nào!

Miền Trung xứ sở của nắng và gió

Miền Trung – xứ sở của nắng và gió - Ảnh: Quang Vu

 

1. BÁNH BÈO

 

Nhắc đến ẩm thực miền Trung, đặc biệt là ẩm thực Huế, có thể nói bánh bèo là một món ăn mà thực khách không thể bỏ qua mỗi khi đặt chân đến vùng đất này. Có lẽ cái tên của món ăn này xuất phát từ hình dáng giống hình lá bèo khá độc đáo của nó. Bánh bèo có nguồn gốc từ xứ Huế cố đô, nhưng ở mỗi địa phương thì bánh bèo lại có những biến thể khác nhau. Dù có nhiều biến thể nhưng về cơ bản thì bánh bèo gồm ba phần: phần bánh, phần nhân bánh và phần nước chấm cùng các thành phần phụ khác như đậu phộng rang giã nhỏ, hành phi hoặc tóp mỡ…

 

Bánh bèo món ăn miền Trung cực hấp dẫn

Bánh bèo – món ăn miền Trung cực hấp dẫn - Ảnh: sưu tầm

 

Bánh bèo được làm từ bột gạo và đúc bằng chén. Bánh bèo Huế thường mỏng và nhỏ hơn các loại bánh bèo của các vùng miền khác, đặc biệt là bánh bèo của xứ Quảng được đúc to và dày hơn. Phần nhân bánh gồm hai loại: một loại nhân khô là tôm được xay nhuyễn và sấy khô, còn loại nhân ướt được làm từ thịt, tôm băm, hành, hẹ nấu thành một hỗn hợp bột nhão. Nếu loại nhân khô mang đến cho bạn hương thơm của tôm được sấy khô thì nhân ướt là hương vị béo ngậy của thịt bên cạnh hương thơm của tôm và hành, hẹ. Nhân khô là loại nhân truyền thống của bánh bèo, khác với nhân khô, nhân ướt của bánh bèo thường chỉ có ở bánh bèo của xứ Quảng.

 

Bên cạnh nhân khô truyền thống, nhân ướt bánh bèo cũng là một trải nghiệm khá thú vị

Bên cạnh nhân khô truyền thống, nhân ướt bánh bèo cũng là một trải nghiệm khá thú vị - Ảnh: Uyen Le

 

Bên cạnh phần bánh và phần nhân, nước mắm ăn kèm là một thành phần quan trọng và không thể thiếu khác của món bánh bèo. Nếu nước mắm không ngon thì dù phần bánh và phần nhân có ngon đến đâu thì món bánh cũng trở nên vô vị. Loại nước mắm được dùng để ăn cùng với bánh bèo là loại nước mắm pha. Nước mắm ăn cùng với bánh bèo thường được pha loãng bằng nước lọc trước khi hòa với đường để giảm bớt đi vị mặn và mùi hăng của mình. Loại nước mắm tuyệt vời để ăn cùng với bánh bèo phải là loại nước mắm có vị không quá ngọt, hay quá mặn và đặc biệt là mùi hăng của nước mắm phải không còn hoặc còn rất ít.

 

Bánh bèo chén cách thưởng thức tuyệt vời nhất cho món ăn này

Bánh bèo chén – cách thưởng thức tuyệt vời nhất cho món ăn này - Ảnh: sưu tầm

 

Nếu bạn muốn thưởng thức món bánh bèo miền Trung đúng điệu thì Huế và Đà Nẵng là những điểm đến mà bạn không thể bỏ qua. Nếu bánh bèo Huế là những chiếc bánh bèo nhỏ xinh, tinh tế với nhân tôm khô thơm lừng ăn cùng với hành phi và tóp mỡ béo ngậy và giòn rụm thì bánh bèo xứ Quảng lại mang đến cho bạn sự chân chất mộc mạc của người dân nơi đây trong những chiếc bánh bèo được đúc dày và to hơn, bạn có thể lựa chọn nhân khô truyền thống hoặc nhân ướt béo ngậy để ăn cùng.

 

Những chiếc bánh bèo Huế nhỏ xinh với nhân khô thơm lựng

Những chiếc bánh bèo Huế nhỏ xinh với nhân khô thơm lựng - Ảnh: sưu tầm


 

Cách thưởng thức bánh bèo cũng rất đa dạng, bạn có thể lựa chọn thưởng thức bánh bèo theo từng chén nhỏ hoặc là bánh bèo dĩa, dù cách thưởng thức như thế nào thì bánh bèo hứa hẹn sẽ là một trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời và không thể bỏ qua cho bạn mỗi khi đến với dải đất miền Trung đầy nắng và gió này.

 

Thêm một ít nem chả vào dĩa bánh bèo để món ăn trở nên hấp dẫn hơn

Thêm một ít nem chả vào dĩa bánh bèo để món ăn trở nên hấp dẫn hơn - Ảnh: Tung Xich Lo

 

2. BÁNH BỘT LỌC

 

Là một món bánh khá phổ biến tại khu vực Bắc Trung bộ, nhưng mỗi khi nhắc đến bánh bột lọc thì bánh bột lọc Huế vẫn luôn là loại bánh được nhắc đến nhiều nhất bởi sự tinh tế và kỹ lưỡng trong cách làm. Về cơ bản, bánh bột lọc là loại bánh được làm từ bột sắn được lọc lấy tinh bột, bên trong có nhân là tôm hoặc tôm thịt, sau khi hoàn thành thì phần bột của bánh khá trong và có thể thấy cả nhân bên trong. Nếu nhìn sơ qua thì thông thường mọi người cho rằng việc làm ra một chiếc bánh bột lọc là một công việc khá dễ dàng nhưng kỳ thực để tạo ra một chiếc bánh ngon và đảm bảo tính thẩm mỹ thì đó là cả một kỳ công của người thợ làm bánh.

 

Để tạo ra một chiếc bánh bột lọc ngon thì cần lắm công phu

Để tạo ra một chiếc bánh bột lọc ngon thì cần lắm công phu - Ảnh: sưu tầm

 

Để có một chiếc bánh bột lọc ngon và đẹp mắt thì bột bánh là thành phần quan trọng nhất của một chiếc bánh. Nếu muốn tạo ra một chiếc bánh bột lọc đúng chuẩn thì khâu lựa chọn bột làm bánh là khâu cực kỳ quan trọng và không thể thiếu trong công đoạn làm bánh. Loại bột được lựa chọn làm bánh phải là loại bột ngon nhất bởi chất lượng của bột làm bánh sẽ quyết định đến chất lượng và hình thức của chiếc bánh bột lọc. Nếu ta lựa chọn bột không kỹ thì một chiếc bánh thành phẩm khi được tạo ra ăn sẽ xực xực, bở và không ngon. Ngoài ra, nếu ta lựa chọn bột làm bánh không tốt thì chiếc bánh khi làm ra sẽ không trong, đôi khi có màu thâm, không đẹp.

 

Chất lượng bột quyết định đến màu sắc của bánh

Chất lượng bột quyết định đến màu sắc của bánh - Ảnh: sưu tầm

 

Bên cạnh phần bột bánh thì nhân bánh cũng là một thành phần quan trọng và không thể thiếu khác của chiếc bánh bột lọc. Nhân bánh thường là tôm hoặc tôm thịt được ướp gia vị, đôi khi ta còn thấy những chiếc bánh bột lọc nhân đậu xanh. Loại tôm được dùng để làm bánh bột lọc thường là những loại tôm nhỏ bởi những loại tôm này khi ăn vào sẽ có vị ngọt và thơm hơn các loại tôm lớn khác. Bên cạnh đó, tôm khi được sơ chế để làm bánh sẽ không được lột vỏ mà chỉ cắt bớt đầu và đuôi tôm để giúp tôm giữ nguyên được hương vị của mình.

 

Bên cạnh nhân tôm thịt truyền thống còn có bánh bột lọc nhân đậu xanh

Bên cạnh nhân tôm thịt truyền thống còn có bánh bột lọc nhân đậu xanh - Ảnh: sưu tầm

 

Ngoài tôm là thành phần chính của nhân bánh thì thịt heo cũng là một nhân tố quan trọng khác giúp nhân bánh trở nên thơm ngon hơn. Loại thịt thường dùng để làm nhân bánh thường là loại thịt mỡ, bởi nếu ta chọn loại thịt quá nạc thì bánh khi ăn sẽ không có vị béo, ngậy, không ngon. Bên cạnh nhân tôm thịt truyền thống thì nhân bánh còn có thể được làm từ đậu xanh đồ nhuyễn được tẩm ướp thêm gia vị như muối, đường, hạt tiêu. Loại bánh nhân đậu xanh khi ăn vào sẽ cho cảm giác béo ngậy, bở bở của đậu xanh rất ngon và thú vị.

 

Bánh bột lọc được gói bằng lá chuối

Bánh bột lọc được gói bằng lá chuối - Ảnh: sưu tầm

 

Bánh bột lọc có thể được gói bằng lá chuối hoặc để trần hấp cách thủy. Mỗi cách làm đều có mang trong mình một hương vị và cách thưởng thức riêng. Nếu bánh được gói bằng lá chuối thì sẽ to và dễ bảo quản hơn loại bánh được hấp trần. Bánh bột lọc nếu được gói bằng lá chuối thì cách tuyệt vời nhất để thưởng thức vẫn là ăn từng cái chấm với nước mắm ớt gừng cay nồng.

 

Bánh bột lọc hấp trần sau khi làm xong thường được cho vào nồi dầu hành có pha chút nước mắm

Bánh bột lọc hấp trần sau khi làm xong thường được cho vào nồi dầu hành có pha chút nước mắm - Ảnh: sưu tầm

 

Còn đối với bánh bột lọc hấp trần thì nhỏ hơn và sau khi được hấp chín sẽ được trộn với mỡ hành pha chút nước mắm khiến món bánh thêm đậm đà. Bánh khi ăn thường được ăn theo dĩa pha chút nước mắm tương tự như bánh bèo. Bánh bột lọc sẽ là một món quà cực kỳ đặc biệt dành cho người thân và gia đình của bạn sau mỗi chuyến du lịch miền Trung đấy!

 

Các món bánh miền Trung cũng chân chất như con người nơi đây

Các món bánh miền Trung cũng chân chất như con người nơi đây - Ảnh: Nguyen Tien

 

 

3. BÁNH NẬM

 

Bên cạnh bánh bèo, bánh bột lọc thì bánh nậm là loại bánh ta không thể không kể đến mỗi khi nói về ẩm thực miền Trung, đặc biệt là ẩm thực xứ Huế. Là một món bánh đến từ vùng đất cố đô nên bánh nậm mang trong mình sự tinh tế, cầu kỳ của chốn cung đình hoa lệ nhưng cũng không kém phần mộc mạc và thân thuộc. Để làm ra được một chiếc bánh nậm ngon thì đó quả thực là cả một kỳ công của người thợ làm bánh. Trong mọi công đoạn, người thợ làm bánh phải chú ý từng chút một: từ phần làm bột bánh phải làm sao để cho bột đều, nhuyễn, mịn, không bị nổi óc trâu hay đến phần gói bánh cũng phải có bí quyết để tạo ra những chiếc bánh đều, đẹp.

 

Bánh nậm cũng là một loại bánh hấp dẫn khác của miền Trung

Bánh nậm cũng là một loại bánh hấp dẫn khác của miền Trung - Ảnh: sưu tầm

 

Để có được phần bánh thì bột gạo sau khi hòa tan với nước và nêm thêm một chút muối, dầu ăn sẽ được đặt lên bếp nấu cho đến khi quánh lại. Sau khi bột đã quánh lại thì mới là lúc người thợ làm bánh thêm vào đó dung dịch bột năng đã được pha và lọc lại. Khi đã cho bột năng vào, người thợ làm bánh phải khuấy đều liên tục để bánh không bị khét và nổi óc trâu, công việc này phải được thực hiện liên tục cho đến khi bột đặc lại. Bột sau khi được nấu sẽ được để nguội tự nhiên chuẩn bị cho công đoạn gói bánh.

 

Để tạo ra những chiếc bánh vuông vức cần lắm sự khéo tay

Để tạo ra những chiếc bánh vuông vức cần lắm sự khéo tay - Ảnh: sưu tầm

 

Làm ra được phần bánh đã khó nhưng để tạo ra được một chiếc bánh nậm hoàn hảo thì công đoạn làm nhân bánh còn khó và công phu hơn rất nhiều.Tôm thịt sau khi được làm sạch kỹ lưỡng bằng muối và băm nhỏ thì sẽ được đảo sơ với một ít dầu và hành để dậy lên mùi thơm. Sau khi sơ chế tôm, thịt sẽ phải trải qua hàng loạt công đoạn khác như xào để cho tôm thịt thấm gia vị, giã để tôm tơi ra và rang lửa nhỏ để chà cho tôm bong đều. Ngoài ra phần nhân bánh sẽ được thêm một ít nấm mèo (mộc nhĩ) và hành lá để tăng thêm hương vị cho món ăn.

 

Bánh nậm phải ăn ngay trên lá mới đúng chất

Bánh nậm phải ăn ngay trên lá mới đúng chất - Ảnh: sưu tầm

 

Bánh nậm khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị mát lành của bột gạo bên cạnh vị beo béo, ngậy ngậy của tôm thịt, vị thơm của hành, vị chua chua, ngọt ngọt của nước mắm, tất cả hương vị hòa quyện để tạo nên một tuyệt phẩm ẩm thực mà bạn không thể nào quên mỗi khi thưởng thức qua. Khi thưởng thức món bánh nậm bạn nên để nguyên bánh trong lá gói, rưới nước mắm lên để mùi thơm của lá giúp bạn đỡ ngán hơn khi thưởng thức. Ngoài ra, khi ăn bạn đừng nên nhai vội, hãy bỏ vào miệng rồi từ từ cảm nhận bột gạo từ từ tan ra, thấm sâu vào vị giác, lúc này món bánh sẽ trở nên béo ngậy và thơm hơn rất nhiều

 

4. BÁNH ĐẬP

 

Bánh đập một món ăn bình dị

Bánh đập – một món ăn bình dị - Ảnh; sưu tầm

 

Đơn giản, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế, đó chính là những gì ta có thể nói về món bánh đập hay còn gọi là bánh tráng đập dập – món ăn rất đỗi dân dã của người dân xứ Quảng. Là một món ăn chơi khá phổ biến từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, nhưng nơi khiến cho bánh đập trở thành một món ăn đơn giản nhưng tinh tế, làm nức lòng bao du khách thập phương lại chính là Hội An. Có thể nói, với món bánh đập thì không nơi nào có thể sánh bằng tại Hội An.

 

Không có nơi nào ngon bằng bánh đập Hội An

Không có nơi nào ngon bằng bánh đập Hội An - Ảnh: Phong Tran


 

Tại những quán bánh đập truyền thống thì người bán thường là các bà, các mẹ lớn tuổi bởi để tạo ra một chiếc bánh đập ngon thì ngoài cần lắm công phu thì một người thợ làm bánh lành nghề, nhiều kinh nghiệm cũng là một yếu tố quan trọng và quyết định không kém đến chất lượng và độ thẩm mỹ của chiếc bánh đập. Một chiếc bánh đập chỉ bao gồm một lá bánh ướt trải trên một chiếc bánh tráng cùng kích cỡ. Nhìn có vẻ rất đơn giản nhưng kỳ thực để làm ra được một chiếc bánh ngon thì cần lắm sự tỉ mỉ, cẩn trọng của người thợ làm bánh.

 

Để tạo ra một chiếc bánh đập ngon cần một người thực sự lành nghề

Để tạo ra một chiếc bánh đập ngon cần một người thực sự lành nghề - Ảnh: Ben

 

Cả phần bánh tráng lẫn bánh ướt đều phải có độ dày vừa đủ để vừa có thể đảm bảo được hương vị lẫn tính thẩm mỹ của chiếc bánh. Phần bánh ướt của chiếc bánh đập phải được tráng thật mỏng, thật đều tay để khi ăn sẽ không bị ngán. Sau khi tráng xong, phần bánh ướt được phết lên một ít dầu hành để hai lớp bánh không bị dính với nhau.

 

Còn đối với phần bánh tráng thì công đoạn tráng bánh cũng được thực hiện tương tự như đối với bánh ướt nhưng được tráng dày hơn một chút. Sau khi tráng xong, những chiếc bánh này sẽ được phơi khô sau đó nướng lên. Khác với bánh tráng bình thường thì khi nướng phải để cháy xém một chút mới ngon, nhưng đối với bánh tráng dùng cho bánh đập thì do được tráng khá mỏng nên khi nướng chỉ được nướng vừa tới lửa, không được cháy xém thì khi ăn mới không để lại mùi khét và vị đắng.

 

Cả bánh lẫn hành phi đều được cho thêm một ít hành phi để thơm hơn

Cả bánh lẫn hành phi đều được cho thêm một ít hành phi để thơm hơn - Ảnh: sưu tầm

 

Sau khi đặt phần bánh ướt lên bánh tráng thì người thợ sẽ thoa lên trên lớp bánh ướt một ít dầu hành phi thơm, khi ăn vào sẽ cho ta cảm giác beo béo của dầu phụng, vị thơm của hành phi. Bên cạnh phần bánh thì phần mắm chấm cùng cũng rất quan trọng đối với món bánh đập. Nước chấm phải là mắm nêm (mắm cái) làm từ cá cơm tươi được giã vào một ít tỏi, ớt, thơm hòa cùng một ít đường và một chút hành phi để dậy mùi thơm.

 

Bánh đập phải được đập trước khi ăn

Bánh đập phải được đập trước khi ăn - Ảnh: sưu tầm


Có thể bạn đang băn khoăn tại sao món ăn này lại có cái tên bánh đập khá “ngộ” như vậy! Giải thích cho câu hỏi của bạn thực sự khá đơn giản bởi khi ăn ta phải gấp đôi chiếc bánh lại rồi “đập bẹp” một cái thì mới có thể ăn được. Tùy nơi mà bánh đập có thể được ăn chung với tôm, thịt heo luộc hay thịt nướng. Tuy có nhiều cách ăn những cách ngon nhất để thưởng thức bánh đập vẫn là ăn không chấm với mắm nêm.

 

Mắm nêm và bánh đập

Mắm nêm và bánh đập là một “bộ đôi hoàn hảo” - Ảnh: Nha Le Hoan

 

Khi ăn bánh đập bạn hãy đừng nuốt vội, hãy nhai từ từ để vị ngọt của gạo, vị mặn mặn, cay nồng của mắm nêm, hương thơm của hành phi dần thấm vào đầu lưỡi của bạn. Không chỉ vậy, cảm giác giòn giòn, dai dai của chiếc bánh đập khi nhai cũng sẽ là những trải nghiệm về món ăn này mà bạn không thể nào quên trong lần thử đầu tiên đấy!. Hãy cùng Mytour đến và khám phá món ăn hết sức độc đáo và hấp dẫn này nào!

 Bài viết được sưu tầm. Bàiviết và hình ảnh đăng với mục đích chia sẽ, nếu có vi phạm bản quyên vui lòngliên hệ 19002011, chúng tôi sẽ chỉnh sửa.

Đánh giá bài viết này : (5/5) (1 lượt đánh giá)
Tôi là Dương Phan Quốc Văn, hiện là Founder & CEO Công ty cổ phần xây dựng Hải Đăng Travel - đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực du lịch lữ hành.Tôi có hơn 18 năm kinh nghiệm trong ngành Hướng dẫn viên du lịch với kỹ năng chuyên nghiệp và vốn hiểu biết sâu rộng;14 năm xây dựng và phát triển thương hiệu Hải Đăng Travel, dẫn dắt công ty đạt nhiều danh hiệu lớn trong lĩnh vực du lịch như Tập thể lao động tiên tiến năm 2017, bằng khen vinh danh doanh nghiệp có đóng góp phát triển ngành du lịch Phú Yên năm 2016. Ngoài ra, tôi còn được phong tặng danh hiệu: Doanh nhân cống hiến và Doanh nhân trẻ tiêu biểu thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ ngay

Tổng quan bài viết

Bài viết cùng chủ đề

Gọi ngay: 0911.2222.88