Vì một Tây Nguyên Xanh "Tà Đùng mãnh đất tốt nhất"
22/11/2024
Tây Nguyên với đất đỏ bazan trù phú, với màu xanh ngút ngàn của cây rừng, suối reo, thác chảy đang bị khai thác quá mức dẫn đến diện tích rừng giảm mạnh, hệ thống sông suối đang khô cạn dần. Vùng đất này cần sự đầu tư xứng tầm từ quy hoạch đến triển khai thực hiện.
15 lễ hội ngày Tết không thể bỏ qua tại Việt Nam
Điểm bắn pháo hoa Tết Dương Lịch 2025 đẹp nhất: Bạn đã biết chưa?
Các nước ăn Tết âm giống Việt Nam - Bạn đã biết chưa?
Du lịch Nhật Bản dịp Tết - Đón không khí xuân độc đáo tại xứ Phù Tang
Tết nên đi du lịch nước ngoài ở đâu? Điểm danh những thiên đường du lịch Tết 2025!
(TN&MT) - Tây Nguyên với đất đỏ bazan trù phú, với màu xanh ngút ngàn của cây rừng, suối reo, thác chảy đang bị khai thác quá mức dẫn đến diện tích rừng giảm mạnh, hệ thống sông suối đang khô cạn dần. Vùng đất này cần sự đầu tư xứng tầm từ quy hoạch đến triển khai thực hiện.
Nguồn nước ngày một cạn kiệt
Trong những năm gần đây, tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng và thiếu cả nước sinh hoạt cho con người là câu chuyện không hiếm gặp. Điển hình, như thời điểm hiện nay, nhiều hồ, đập thủy lợi ở các tỉnh Tây Nguyên đã sụt giảm nguồn nước nghiêm trọng so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, nhiều hồ đã cạn trơ đáy, người dân không còn nước để tưới tiêu cho cây trồng. Dự báo, tình hình hạn hán sẽ diễn ra hết sức khốc liệt, đe dọa hàng trăm nghìn ha cây trồng trên địa bàn.
Việc phát triển ồ ạt các nhà máy thủy điện trên hệ thống các sông ở khu du lịch Tây Nguyên là một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước mặt tự nhiên bị chia cắt, phân mảnh và giảm sút. Chỉ tính đến năm 2012, trên các hệ thống sông chính đã có tới 287 dự án thủy điện, với tổng công suất gần 7.000 MW. Bình quân mỗi MW điện sản xuất được tại khu vực này đã làm ảnh hưởng đến 4,08 hộ dân, trong đó phải di dời 0,94 hộ và chiếm dụng khoảng 10,53 ha đất các loại.
Ngoài ra, mỗi năm, có hàng chục nghìn ha rừng Tây Nguyên bị mất đi, đã khiến nguồn nước ngày càng bị đe dọa. Vào mùa khô 2015 - 2016, Tây Nguyên phải hứng chịu đợt khô hạn lịch sử trong vòng hơn 20 năm qua. Hệ thống sông, suối, hồ chứa... cạn kiệt, do không có rừng giữ nước, nên mực nước ngầm giảm sâu đến mức khó có thể khai thác phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chưa kể tưới cho cây nông nghiệp, công nghiệp. Ðã có hơn 160.000ha cây trồng ở Tây Nguyên bị thiệt hại và hàng nghìn ha cà phê, hồ tiêu... mất trắng.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, người dân trồng cà phê, tiêu… có thói quen tưới lãng phí nước. Bởi theo quan điểm của người dân, các cây công nghiệp là cây cần nhiều nước và phải tưới sao cho thật “đẫm” mới thấy yên tâm. Trong bối cảnh, nguồn nước mặt không đủ đáp ứng, tình trạng khoan giếng để lấy nước ngầm tưới tiêu diễn ra khá phổ biến ở các địa phương trên khu vực Tây Nguyên. Như tại tỉnh Gia Lai, có trên 75.000ha cà phê, trong đó, diện tích cà phê có sẵn nguồn nước tự chảy, gần ao hồ chỉ chiếm 20%, còn lại 80% trông vào lượng mưa và nước ngầm.
Nước mặt phục vụ nông nghiệp ngày càng hiếm. Ảnh: MH
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh, Tây Nguyên là nơi khởi nguồn của nhiều hệ thống sông, suối lớn chảy xuống đồng bằng ven biển khu vực Nam Trung Bộ, Ðông Nam Bộ và Campuchia. Tổng lượng mưa trung bình ở các tỉnh Tây Nguyên khoảng hơn 81 tỷ m3nước/năm, trong đó cung cấp cho dòng chảy mặt 50,2 tỷ m3/năm, cho dòng chảy ngầm khoảng 6,6 tỷ m3/năm. Hiện tại, toàn vùng Tây Nguyên đang thiếu khoảng 5 tỷ m3 nước/năm và đến năm 2030 sẽ thiếu 5,5 tỷ m3nước/năm.
Đẩy mạnh công tác quản lý và bảo vệ rừng
Nhằm đảm bảo nguồn nước mặt cũng như nước ngầm trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên được ổn định, công tác bảo vệ, quản lý và trồng mới rừng cần phải được chú trọng và quan tâm đặc biệt. Trong những năm qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên diễn ra phức tạp, khó kiểm soát. Tuy vậy, với quyết tâm cao độ của hệ thống chính trị của các cấp, ngành nên tình trạng này đang có những chuyển biến tích cực.
Hiện nay, ở hầu hết các khu vực có rừng đang được khoanh nuôi và quản lý chặt chẽ. Điển hình, như Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Đùng, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) nằm trên địa bàn giáp ranh giữa tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng có diện tích rừng và đất rừng hơn 21.000 ha. Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị không nhiều, nhưng câu chuyện về giữ rừng và phát triển vốn rừng của họ rất đáng trân trọng. Nằm trọn trong Khu BTTN Tà Đùng là lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 rộng hàng nghìn ha. Những năm trước, khi nước hồ thủy điện rút đến đâu, những vạt đất trống nhô ra đến đó, không đẹp mắt. Giờ đây, nhờ những vạt rừng ngập nước được Khu BTTN Tà Đùng trồng trong 3 năm qua mà những diện tích đất trống đó dần được phủ xanh và du lịch hồ Tà Đùng dần đẹp hơn.
Theo một lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, việc chuyển đổi rừng để phục vụ dự án là cần thiết, vấn đề là thực hiện như thế nào để Tây Nguyên phát triển mà vẫn giữa được màu xanh của rừng. Để làm được điều đó, cần đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại lợi ích kinh tế và môi trường bền vững. Thực tế, hiện nay, đã có những cách làm mới, những mô hình phát triển lâm nghiệp hiệu quả.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Theo Tổng cục Thủy lợi, nhằm khắc phục tình trạng sử dụng nguồn nước lãng phí, các địa phương cần ưu tiên đầu tư, sớm tu bổ những công trình hồ chứa vừa và lớn để giải quyết cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt. Cụ thể, toàn vùng Tây Nguyên cần nâng cấp, sửa chữa 726 công trình thủy lợi phục vụ tưới cho 97.987 ha lúa, 125.799 ha cà phê, còn lại là hoa màu và cây khác; xây dựng mới 1.442 công trình và cụm công trình gồm 1.029 hồ chứa, 278 đập dâng, 86 trạm bơm, 49 cụm công trình phục vụ tưới 293.264 ha đất canh tác. Ngoài ra, công tác dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước trong công trình thủy lợi cấp nước cho nông nghiệp và dân sinh phải được đặc biệt chú trọng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai cho biết, tỉnh Gia Lai đang tăng cường công tác quản lý nguồn nước, nhất là nguồn nước mặt, nước ngầm, theo quy định và theo Luật Tài nguyên nước; ban hành các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm trong lĩnh vực tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các loại cây trồng, trong đó, có cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, để bảo vệ nguồn nước và phục vụ sản xuất đạt hiệu quả.
Theo đánh giá của TS. Hồng Trương, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học - Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay, cùng với việc tích cực nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên, các cơ quan chức năng đang thực hiện các biện pháp ứng phó mà trước hết là các biện pháp chủ động phòng tránh, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ðiển hình, để đối phó biến đổi khí hậu, hiện nay, ngành nông nghiệp đang tích cực áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đưa mô hình tưới tiết kiệm nước vào phục vụ sản xuất. Đồng thời, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp quy hoạch tổng thể vùng sản xuất, cùng những giải pháp nhằm phát triển bền vững cho nền nông nghiệp. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng, siết chặt quản lý rừng, đầu tư trồng rừng cũng như các dự án trồng cây xanh…
Phạm Hoài
Bài viết được sưu tầm. Bài viết và hình ảnh đăng với mục đích chia sẽ, nếu có vi phạm bản quyên vui lòng liên hệ 19002011, chúng tôi sẽ chỉnh sửa.