Phá lấu: Món ăn vặt gốc Hoa này du nhập vào thành phố từ trăm năm nay, mang đặc trưng bởi nước dùng màu nâu sóng sánh cùng vị ngọt của thịt, vị béo ngậy của nước cốt dừa, cay nồng của quế và ngũ vị hương. Ở Sài Gòn, có nhiều phiên bản phá lấu như nội tạng bò, heo, dê; ăn cùng bánh mì, mì gói, phá lấu xiên, phá lấu nướng. Gia vị ăn kèm thông thường là mắm me pha ớt tạo vị chua cay. Từ 15.000 đồng, thực khách có thể dùng một phần phá lấu nóng cho bữa ăn nhẹ. Địa chỉ gợi ý: Các quán phá lấu trong chợ 200 (quận 4), hẻm ăn vặt 76 Hai Bà Trưng (quận 1), chợ Bàn Cờ (quận 3), hẻm 177 Lý Tự Trọng (quận 1). Ảnh: Tâm Linh.
Sủi cảo: Đây là món ăn thường có mặt trong dịp lễ tết ở Trung Quốc được người Hoa mang vào Việt Nam. Nguyên liệu để làm nhân sủi cảo gồm thịt nghiền và rau. Sau đó nhân được gói trong lớp vỏ bột cán mỏng màu vàng nhạt, nắn thuôn dài và gấp nếp trên viền bánh. Sủi cảo thường chế biến theo kiểu hấp hoặc luộc và được phục vụ trong nước dùng nóng hổi, trong vắt, có vị ngọt thanh từ xương thịt. Món ăn sẽ ngon hơn khi kèm các gia vị như giấm đỏ, nước tương, ớt tươi. Để ăn nhẹ, thực khách nên gọi một bát sủi cảo 5 – 7 chiếc, giá khoảng 30.000 đồng. Địa chỉ gợi ý: Đường Hà Tôn Quyền (quận 11), đường Nguyễn Trãi (quận 5) hoặc trong các tiệm bán hủ tiếu mì. Ảnh: Tâm Linh.
Há cảo: Có nguồn gốc từ Triều Châu, há cảo thường dùng làm món khai vị hoặc một phần trong bữa điểm tâm, làm món ăn chay hoặc ăn mặn. Mang một số nét tương đồng với sủi cảo nhưng há cảo lại có cách chế biến và thưởng thức khác. Nhân há cảo đa dạng hơn gồm tôm, cua, thịt heo, trứng, hẹ, vài loại rau củ. Vỏ bánh có màu trắng, khi chín trở nên trong hơn; hình tròn, dày và thường được chiên hoặc hấp. Khi ăn, há cảo được rắc một ít hành phi, kèm rau răm và chấm tương ớt, nước tương. Một phần gồm 10 viên có giá dao động 15.000 – 30.000 đồng. Vì cách chế biến không nước dùng nên há cảo thường được bán hàng rong. Địa chỉ gợi ý: ngã tư Cô Giang – Đề Thám (quận 1), đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), đường Ký Hòa (quận 5). Ảnh: Di Vỹ.
Bột chiên: Xuất phát từ món ăn nhẹ của người Hoa ở Chợ Lớn, bột chiên đã được biến tấu để hợp vị với người Việt. Miếng bột được cắt vuông chứ không dài như bản gốc, đồng thời chiên ngập dầu nên giòn hơn. Bột sắn nhuyễn khi chiên lên có độ chín dẻo bên trong và lớp vỏ vàng rộp, thơm. Trứng là thành phần tạo sự kết dính những miếng bột thành tấm bánh. Đu đủ ngâm chua và chén nước chấm ăn kèm chống ngấy. Một đĩa bột chiên đầy đặn có giá từ 15.000 đến 20.000 đồng. Địa chỉ gợi ý: Hẻm 76 Hai Bà Trưng (quận 1), quán nhỏ ở hẻm 185 Võ Văn Tần (quận 3), các xe bán lưu động ở khu người Hoa (quận 5, 6,10, 11). Ảnh: Di Vỹ.
Bò bía: Đây là món ăn vặt gốc Hoa dễ ăn, dễ tìm, giá thành phải chăng được người Việt ưa chuộng. “Bò bía” là từ mượn của tiếng Hoa vùng Phúc Kiến. Tại Sài Gòn, bò bía mặn phổ biến hơn loại ngọt. Trong đó gồm các thành phần như lạp xưởng, trứng tráng, cà rốt, rau xà lách, củ sắn (miền Bắc gọi là củ đậu) hoặc su hào, tôm khô, rau thơm… Tất cả được xắt nhỏ và cuộn trong tấm bánh tráng làm từ bột mì. Tương ớt xí muội có vị chua ngọt, trộn với đậu phộng rang giã nhỏ phi bằng dầu ăn, hành khô là sốt chấm được yêu thích. Một cuốn bò bía có giá 1.000 – 5.000 đồng. Địa chỉ gợi ý: Khu cư xá Lữ Gia (quận 11), đường Nguyễn Văn Giai (quận 1), chợ Tân Định (quận 1), đường Sương Nguyệt Ánh (quận 1), đường Trần Bình Trọng (quận 5). Ảnh: Khánh Hòa.
Bài viết được sưu tầm. Bài viết và hình ảnh đăng với mục đích chia sẽ, nếu có vi phạm bản quyên vui lòng liên hệ 19002011, chúng tôi sẽ chỉnh sửa.
tour Campuchia
tour Campuchia giá rẻ
tour Campuchia siemriep