BÚN THANG HÀ NỘI – BÔNG HOA NGŨ SẮC GIỮA XỨ SỞ KINH KỲ
07/12/2024
Từ bao đời nay, ẩm thực Hà Nội đã ghi dấu bởi sự tinh tế, ý nhị cả trong cách chế biến, thưởng thức lẫn tấm lòng của người trao - kẻ nhận. Như phở, món ăn “quốc hồn quốc túy” có mặt ở khắp Việt Nam nhưng chỉ có phở ở Hà Nội mới được đánh giá là ngon nhất. Nói đến ẩm thực Hà Nội, ngoài phở, sẽ là điều thiếu sót nếu không nhắc đến bát bún thang.
Đài Loan ăn Tết Âm hay Dương? Trải nghiệm thú vị Dịp Tết ở Đài Loan
Khám phá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam từ A-Z
Seollal - Tết Nguyên Đán Hàn Quốc và những điều bạn chưa biết
Khám phá lễ hội tuyết Sapporo và sức hút mùa đông Nhật Bản
Tết dương lịch đi đâu chơi ở Hà Nội? Top 10 địa điểm hấp dẫn nhất
Bún thang là một món ăn quen thuộc của người Hà Nội, được nhiều người yêu thích. Bún thang Hà Nội có sự kết hợp hoàn hảo giữa sắc, hương và vị đem lại sự hấp dẫn đến khó quên.
Hình ảnh sưu tầm
Thành phần quyết định quan trọng tới độ ngon, thanh của bún thang là nước dùng. Nước dùng chính là phần cốt lõi và linh hồn của bún thang Hà Nội. Trong lúc nấu, người đầu bếp phải hớt bọt liên tục và đều tay để nước không bị vẩn đục. Nồi nước dùng đạt chuẩn là nồi nước dùng trong veo, được nấu từ tôm nhưng không tanh mà lại ngọt thanh, thoảng mùi nấm khô, tôm khô đặc trưng. Nguyên liệu chính để làm bún thang là loại bún rối gỡ được thành sợi nhỏ, mềm, trắng như bông, được trần qua nước sôi, vẩy cho ráo nước rồi đặt vào chiếc bát. Sự hấp dẫn của bún thang còn thể hiện ở cách trình bày. Bát bún là sự hòa quyện của các nguyên liệu như một bức tranh đa sắc. Màu trắng tinh tế của giò lụa thái chỉ cùng những miếng lườn gà xé phay. Màu vàng óng của trứng được tráng mỏng tang như tờ giấy hay da gà ta vàng ruộm. Màu đỏ của tôm he được giã bông như ruốc. Màu xanh của hành lá. Tất cả những nguyên liệu ấy, màu sắc ấy, được bốc và bày gọn gàng lên trên bát bún rối sợi nhỏ, chan với nước dùng thật sôi, khói bốc lên thơm mùi nấm hương, mộc nhĩ, khiến các nguyên liệu nở ra như một bông hoa ngũ sắc.
Có lẽ cũng bởi sự đa dạng của nguyên liệu bún thang, mỗi thứ một tý, đầu bếp bốc bỏ vào tô như bốc thang thuốc mà tên gọi của món đặc sản này là "bún thang".
Hình ảnh sưu tầm
Bún thang có thể ăn kèm với mắm tôm và một vài giọt nước mắm cà cuống – thứ hương vị nồng và đậm đà của Bắc Bộ, điểm xuyết như một nét nhấn nhá, làm nổi tất cả những mùi thơm theo một cách rất riêng, mời gọi ta bằng một mùi thơm vừa cao sang, vừa bình dân đến lạ lùng.
Làm bún thang đã thế, ăn bún cũng không thể xuề xòa được. Người ta thường nấu bún thang vào dịp Tết để đãi nhau cho tỏ tình trân trọng. Nơi ăn bún cũng phải lịch sự, thanh nhã, có bàn ghế ngồi chĩnh chện chứ không chồm hỗm xì xụp trên vỉa hè trắng xóa giấy ăn và bụi đường. Có thế bún thang mới xứng danh là tuyệt đỉnh ẩm thực Hà Nội. Chỉ kém nghi lễ trà đạo ở khoản người nhận bát bún không phải cúi lạy người chan bún, rồi xoay bát 3 lần theo chiều kim đồng hồ rồi mới ăn, và sau khi ăn xong lại xoay 3 lần ngược lại trước khi trả bát mà thôi.
Ở Hà Nội, nhắc đến món bún thang không thể không nhắc đến quán cô Ẩm mà qua thời gian đã chuyển thành "bún thang bà Ẩm". Đây cũng chính là thương hiệu bún thang được TP Hà Nội chọn phục vụ tại Trung tâm báo chí quốc tế (phố Trần Hưng Đạo) tiếp đãi hơn 3.000 nhà báo trong và ngoài nước nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 nhằm quảng bá du lịch, ẩm thực Thủ đô. Ngoài ra du khách cũng có thể ghé quán Bún Thang Bà Đức, Bún Thang phố Hàng Hòm hoặc quan Ha Hồi, những quán này hương vị cũng rất ngon không kém gì quán cô Ẩm.
Nếu bạn sắp có dịp đến Hà Nội, bạn hãy tìm và thưởng thức ngay món Bún Thang này nhé!