Lạ Mà Quen Bánh Khoái Cá Kình Ở Đầm Chuồn
07/12/2024
Đầm Chuồn, hay còn gọi là đầm Cầu Hai nằm trong hệ thống phá Tam Giang, cách thành phố Huế 15km, thuộc địa phận làng Chuồn là một trong những điểm đến yêu thích của khách du lịch Huế. Phần lớn người dân nơi đây sống bằng nghề chài lưới, chính vì vậy mà đặc sản đầm Chuồn cũng mang vị mặn mòi của biển. Nổi tiếng với 5 loại cá là cá ong, cá dìa, cá mú, cá nâu và cá kình. Nhưng có lẽ món ăn khiến cho đầm Chuồn hấp dẫn du khách hơn cả chính là bánh khoái cá kình
Đài Loan ăn Tết Âm hay Dương? Trải nghiệm thú vị Dịp Tết ở Đài Loan
Khám phá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam từ A-Z
Seollal - Tết Nguyên Đán Hàn Quốc và những điều bạn chưa biết
Khám phá lễ hội tuyết Sapporo và sức hút mùa đông Nhật Bản
Tết dương lịch đi đâu chơi ở Hà Nội? Top 10 địa điểm hấp dẫn nhất
Từ sáng tinh mơ, phiên chợ làng trước mặt đình làng An Truyền đã tấp nập nhộn nhịp với vô vàn các loại rau củ, thủy hải sản, và tất nhiên, cá kình thường được mua ở chợ này bởi lúc đấy cá mới đánh bắt đêm qua rất tươi ngon.
Cá kình tươi ngon trong phiên chợ - Ảnh: Cao Anh Tuan
Cá kình thuộc loại cá nước lợ, con to nhất chỉ bằng ba ngón tay nhưng thịt rất dai, thơm ngọt. Và càng đặc sắc hơn khi cá kình kết hợp với bột làm bánh khoái nghiền từ thứ gạo cũng ở ruộng làng Chuồn mà ra, đem ngâm từ bốn đến năm tiếng mới đưa đi xay thành bột. Chỉ 3 thứ đơn giản, cá kình, bột và nước mắm ruốc nguyên chất đã biến bánh khoái cá kình trở thành món ăn đặc biệt của vùng quê dân dã đầm Chuồn.
Cá kình nhỏ bé nhưng thịt dai, thơm ngọt - Ảnh: khamphahue
Chế biến bánh khoái cá kình cũng khá đơn giản, cá kình để nguyên con được chiên trên chảo trước. Khi cá dậy mùi thơm thì đổ bột bánh xèo đã được quấy đều và thêm một ít gia vị trước đó vào. Cá kình chín sẽ cho thịt màu vàng ươm, mềm mại và dậy mùi thơm khiến du khách không thể cầm lòng.
Bánh khoái cá kình chín vàng ươm - Ảnh: phanxipang
Nhìn chiếc bánh tròn be bé, ở trên có nguyên một chú cá đặt giữa có vẻ đơn sơ, nhưng bạn sẽ thấy mê khi ăn miếng đầu tiên. Từ tốn ăn từng chút, khéo léo lừa xương cá ra ngoài, sau đó cầm chiếc bánh khoái chỉ còn bột và thịt cá thoải mái chấm mắm ăn.
Bánh khoái cá kình ăn một lần nhớ mãi - Ảnh: webdulichhue
Bạn sẽ cảm nhận được cái dai, cái ngọt bùi xen lẫn gan cá bé xíu nhưng béo ngậy, chút đắng có tác dụng an thần của mật cá cùng vị ngòn ngọt nguyên sơ của tinh bột gạo, vương mùi thơm quyến rũ của hành tươi phi mỡ trong món ăn dân dã này. Bánh khoái cá kình còn được ăn kèm với giá sống hay rau sống tùy vào từng quán chuẩn bị, giúp du khách thêm ngon miệng hơn.
Ăn kèm rau sống thêm ngon miệng - Ảnh: khamphahue
Để ăn bánh khoái cá kình, bạn sẽ phải tới Huế trong khoảng tháng 4 đến tháng 8 – mùa cá kình sinh sôi nảy nở, tìm về làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế và len lỏi vào khu chợ Chuồn để thưởng thức món ăn dân dã này. Hiện ở Huế chưa có nhà hàng nào bán món bánh khoái cá kình, duy chỉ ở chợ làng Chuồn. Vào mùa cá kình, mấy quán bán bánh khoái càng bộn bề khách khứa.
Một quán bánh khoái - Ảnh: khamphahue
Hình ảnh khách du lịch ngồi chồm hổm bến bếp chờ đổ bánh, đổ xong cái nào chấm cái đó, vừa thổi vừa ăn đã quá quen thuộc trong mùa du lịch Huế ở đầm Chuồn. Trong tư thế ấy, tâm trạng ấy, trong lúc chờ đợi ta sẽ được nghe âm thanh xèo xèo của bột khi được đổ vào khuôn dầu nóng. Mắt sẽ thấy được màu sắc của bánh, mũi ngửi được mùi thơm và miệng được thưởng thức vị ngon, ngọt, béo, bùi, mặn, cay... Khi ấy ta mới thấu hiểu cái thâm thúy của dân gian vì sao gọi là bánh khoái!
Khéo léo đổ bánh khoái - Ảnh: thegioif5
Lại một điểm đặc biệt nữa khi tới đầm Chuồn ăn bánh khoái cá kình. Đó là, bạn có thể tự mình chọn mua cá vào thời điểm sáng sớm rồi vào bất kỳ hàng bánh khoái nào nhờ đổ bánh hộ với giá rất rẻ, thậm chí có thể xin người bán hàng thử đổ bánh khoái. Việc này nhìn thì khá dễ nhưng thực ra rất đòi hỏi sự khéo léo, sao cho cá không bị sém quá, bánh vừa đủ độ vàng, giòn tan.
Bánh khoái cá kình hấp dẫn thực khách - Ảnh: Sưu tầm
Thơm ngon bánh khoái cá kình
Chợ Chuồn anh nhớ mối tình đôi ta
Cầu cho mưa nắng thuận hoà
Mùa màng tươi tốt, anh ra cưới nàng.
Những câu thơ của trai xứ Quảng về món bánh khoái cá kình làm đậm thêm cái tình của vùng đất cố đô. Đó là khi đầm Chuồn dù ở vùng ven cách thành phố khá xa nhưng những ngày cuối tuần, người ta vẫn xuôi ngược về đây thưởng thức bánh khoái, mua về làm quà cho người thân. Người ta tới đây còn để tận hưởng không gian khoáng đạt, với những câu chuyện rôm rả cùng người dân quê chân chất, càng khoái hơn món bánh khoái cá Kình tuy ngon, tuy chất lượng nhưng lại rất rẻ. Đến với Huế, đừng ai quên ghé chốn nước non ân tình này…
Chốn non nước ân tình - Ảnh: Cao Anh Tuan
Du lịch Huế vốn làm cho người ta thêm da diết nhớ bởi nét cổ kính của một kinh thành xưa, nét dịu dàng hồn hậu của con người xứ Huế, thì nay càng khiến nỗi nhớ thêm sâu đậm bởi những món ăn vô cùng dân dã, như chính con người, mảnh đất nơi đây.
Bài viết được sưu tầm. Bàiviết và hình ảnh đăng với mục đích chia sẽ, nếu có vi phạm bản quyên vui lòngliên hệ 19002011, chúng tôi sẽ chỉnh sửa.