Responsive Navbar

Một Gác Trịnh Đi Về Giữa Lòng Cố Đô Huế

Quốc Văn

26/04/2024

Căn nhà số 203/19 đường Nguyễn Trường Tộ (tầng 2, dãy nhà C, khu tập thể Nguyễn Trường Tộ), nơi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sinh sống ngày nay trở thành một không gian văn hoá thu hút nhiều khách du lịch khi đến cố đô Huế. Căn nhà này được gọi bằng một cái tên rất đỗi thân thương là “gác Trịnh”, chính là nơi cố nhạc sĩ đã sống và sáng tác những bản nhạc đầu tiên vào những năm  60-70 của thế kỷ trước.

 


 

Một góc gác Trịnh giữa lòng cố đô Huế

Một góc “gác Trịnh” giữa lòng cố đô Huế - Ảnh: Tuấn Med

 

Nếu có dịp đi du lịch Huế, tìm về căn nhà của cố nhạc sĩ năm xưa, bạn sẽ thấy căn nhà ở chung cư Nguyễn Trường Tộ gần nhà thờ Phủ Cam nay đã được bài trí thành quán cafe, trưng bày những hiện vật, sáng tác của Trịnh Công Sơn. Cái tên “Gác Trịnh” được đặt dựa theo cảm hứng từ câu hát “Một đêm bước chân về gác nhỏ” trong bài “Chợt thấy ta là thác đổ” của cố nhạc sĩ.

 

Chân dung cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Chân dung cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ảnh: sưu tầm

 

Chính các văn nghệ sĩ đa phần tại Huế đã chung tay xây dựng nên “Gác Trịnh” để tỏ lòng tri mộ của mình đến vị nhạc sĩ tài hoa của làng nhạc Việt, cũng là để những người hâm mộ có một nơi chốn để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Trịnh Công Sơn, nơi ông đã sáng tác những ca khúc đầu tay.

 

Ngôi nhà của cố nhạc sĩ nay được làm thành quán cafe cho người yêu nhạc -

Ngôi nhà của cố nhạc sĩ nay được làm thành quán cafe cho người yêu nhạc - Ảnh: Trần Việt Anh

 


 

Gác Trịnh có cách bài trí khá ấm cúng

Gác Trịnh có cách bài trí khá ấm cúng - Ảnh: Super Tan

 

Gác Trịnh đặt vài bộ bàn ghế dọc lan can, khách có thể ngồi đây và ngắm khu phố Nguyễn Trường Tộ. Đây cũng chính là nơi năm xưa Trịnh Công Sơn ghi dấu bóng hình “Diễm xưa” rồi đem vào âm nhạc, tạc nên một hình tượng khó phai của một người con gái tên Diễm. Theo lời bạn bè người quen, lúc sinh thời, khi ở căn nhà này Trịnh Công Sơn rất ít khi ở trong nhà mà thường ra lan can ngắm hàng long não phía trước, ngắm con đường Nguyễn Trường Tộ thưa vắng người và chìm đắm trong những xúc cảm của riêng mình. Thơ ca và âm nhạc của ông thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc, có lẽ cũng bởi nó được viết lên từ những xúc cảm dồi dào ấy của người nhạc sĩ tài hoa này.

 

Lan can gác Trịnh

Lan can gác Trịnh nơi khơi nguồn cảm tác cho bài “Diễm xưa” - Ảnh: Trần Việt Anh

 

Người hàng xóm của cố nhạc sĩ tại chung cư Nguyễn Trường Tộ này kể lại: “Từ lúc xây dựng xong khu tập thể, gia đình Trịnh Công Sơn gồm mẹ và 8 người con đã về sống tại phòng 203, khu nhà 19 vào năm 1962. Cả gia đình tràn đầy tiếng cười và tiếng nhạc. Dễ thương nhất là Trịnh Vĩnh Thúy và Trịnh Công Sơn. Riêng anh Sơn hồi đó rất đẹp trai, luôn hòa nhã và quan tâm đến hàng xóm.”

 

Không khí tĩnh lặng của Gác Trịnh -

Không khí tĩnh lặng của Gác Trịnh - Ảnh: Tuấn Med

 

 

Trong căn nhà của cố nhạc sĩ còn lưu lại rất nhiều kỷ vật một thời gắn bó như hình do ca sĩ Khánh Ly tặng, hay thư tình ông viết cho nàng Dao Ánh, sau này được bà mang tặng lại cho Gác Trịnh. Ở căn gác cuối nhà, có một chiếc bàn gỗ nâu được đặt bên một cửa sổ, chính tại đây rất nhiều tác phẩm bất hủ đã được ra đời.

 

Chiếc bàn năm xưa Trịnh Công Sơn hay ngồi sáng tác

Chiếc bàn năm xưa Trịnh Công Sơn hay ngồi sáng tác - Ảnh: Trần Việt Anh

 

Thư tình Trịnh Công Sơn gửi nàng nữ sinh Dao Ánh

Thư tình Trịnh Công Sơn gửi nàng nữ sinh Dao Ánh - Ảnh: Trần Việt Anh

 

Gian nhà giữa là nơi chứa đựng nhiều kỷ vật của ông nhất. Trên tường có treo nhiều tranh ảnh, một số là tranh của chính Trịnh Công Sơn vẽ, một số là tranh ảnh của bạn bè tặng. Nếu được du lịch Huế và là người yêu nhạc Trịnh, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội được tận mắt chứng kiến không gian gợi lên nhiều suy tưởng đến vị nhạc sĩ tài hoa này. Không gian Gác Trịnh chính là sự yêu mến, tri mộ và tiếc thương của các văn nghệ sĩ và người hâm mộ đối với Trịnh Công Sơn, mà một nơi có giá trị văn hoá lớn lao giữa chốn đại nội xưa vốn mang nhiều giá trị lịch sử. Họ mong rằng nơi đây sẽ trở thành một bảo tàng nho nhỏ lưu trữ những ký ức thiêng liêng,  trường tồn như chính âm nhạc của ông trong mỗi người dân Việt.

 

Trên tường treo khá nhiều tranh ảnh của cố nhạc sĩ

Trên tường treo khá nhiều tranh ảnh của cố nhạc sĩ - Ảnh: Thế Hải

 

Tại Gác Trịnh, các nghệ sĩ thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn âm nhạc, đa phần chính là những ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn. Ngồi nghe những ca khúc ấy tại nơi mà nó được viết nên là một cảm xúc khó tả mà bất kỳ du khách yêu nhạc Trịnh nào cũng không muốn bỏ lỡ khi đến du lịch Huế. Hơn thế, Gác Trịnh còn là một không gian mở, là nơi giao lưu âm nhạc, giới thiệu các tác phẩm mới của các văn nghệ sĩ.

 

Tại Gác Trịnh thường xuyên diễn ra các buổi biểu diễn giao lưu âm nhạc

Tại Gác Trịnh thường xuyên diễn ra các buổi biểu diễn giao lưu âm nhạc - Ảnh:  Hoàng Lưu

 

Âm nhạc Trịnh Công Sơn đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng sâu lắng giống như chính cá tính của vị cố nhạc sĩ này. Không khí tại ngôi nhà năm xưa của ông cũng yên tĩnh và trầm lắng như thế, nhưng để lại trong lòng người những suy tư, những hoài niệm khôn nguôi về tình yêu, về cuộc sống.

Bài viết được sưu tầm. Bàiviết và hình ảnh đăng với mục đích chia sẽ, nếu có vi phạm bản quyên vui lòngliên hệ 19002011, chúng tôi sẽ chỉnh sửa.

trọn tour du lịch huế

du lịch huế khuyến mãi

Đánh giá bài viết này : (5/5) (1 lượt đánh giá)
Tôi là Dương Phan Quốc Văn, hiện là Founder & CEO Công ty cổ phần xây dựng Hải Đăng Travel - đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực du lịch lữ hành.Tôi có hơn 18 năm kinh nghiệm trong ngành Hướng dẫn viên du lịch với kỹ năng chuyên nghiệp và vốn hiểu biết sâu rộng;14 năm xây dựng và phát triển thương hiệu Hải Đăng Travel, dẫn dắt công ty đạt nhiều danh hiệu lớn trong lĩnh vực du lịch như Tập thể lao động tiên tiến năm 2017, bằng khen vinh danh doanh nghiệp có đóng góp phát triển ngành du lịch Phú Yên năm 2016. Ngoài ra, tôi còn được phong tặng danh hiệu: Doanh nhân cống hiến và Doanh nhân trẻ tiêu biểu thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ ngay

Tổng quan bài viết

Bài viết cùng chủ đề

Gọi ngay: 0911.2222.88