Responsive Navbar

Nam Du, ngày biển xanh gọi nắng

Quốc Văn

23/11/2024

 Có lẽ chuyến đi thăm thú Đà Lạt mấy ngày Tết quá vội vàng nên chưa đủ ép phê để tôi bớt đi cái niềm ham muốn được du hí đây đó trước khi trở về với những ngày ảm đạm sau tết. Thế nên Nam Du là cái tên đầu tiên lóe lên trong đầu tôi và chúng tôi quyết định đi ngay trong vòng ba nốt nhạc. Không phải dân phượt, cũng không có kế hoạch bài bản gì, dù cho vô tình hay cố ý thì chuyến đi nào cũng biến tôi trở thành một traveler tưng tửng với phương châm ‘cứ đi được thì đi, đã bỏ lỡ quá nhiều dịp rồi’.

Sau đây cũng xin được chia sẻ với những bạn có ý định thăm thú Nam Du vài dòng cảm nhận và kinh nghiệm khi đến vùng đất này.

Ảnh – Kimmy

Nam Du, quần đảo nhỏ bé xinh đẹp chỉ cách nhà tôi có hơn 80km. Thật đáng tiếc nếu là người Kiên Giang mà bạn chưa từng đặt chân đến một hòn đảo nào nơi đây. Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Kiên Giang hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ có thể chia làm 5 quần đảo lớn là An Thới, Nam Du, Bà Lụa, Hải Tặc và Thổ Chu. Trong đó Phú Quốc – An Thới là nơi có đông đảo khách du lịch nhất, Thổ Chu thì là quần đảo xa nhất và làm tôi tò mò nhất cách Tp. Rạch Giá tận 6 giờ đi trên biển và do có căn cứ quân sự trên đảo nên không cho du khách nước ngoài đến và rất hạn chế khai thác du lịch.

Nam Du – cái tên thậm chí còn xa lạ với con nhà nòi ngành hàng hải như tôi dạo trước và mới chỉ hot lên như một thiên đường cho dân phượt những năm gần đây. Nam Du trên lý thuyết thì gồm đến 21 hòn đảo lớn nhỏ, nhưng nếu đến để du lịch thì người ta thường chỉ đi Hòn lớn, hòn Ngang và hòn Mấu mà thôi.

Để đến với Nam Du cách duy nhất là bạn chỉ có thể đi bằng đường biển. Đối với những bạn ở xa như Sài Gòn thì nên plan đi Nam Du 3 ngày 2 đêm vì đường khá xa lại đi gấp quá sẽ khiến chuyến đi của bạn mệt mỏi, bớt thú vị. Bạn có thể đi máy bay từ Sài Gòn về Rạch Giá hoặc đi xe khách của các hãng như Phương Trang, Tuyết Hon, Việt Đức… Các bạn có thể đi chuyến Sài Gòn – Rạch Giá lúc 11h tối để sau 6 tiếng là đến bến xe khách tỉnh Kiên Giang, đi xe trung chuyển đến Bến tàu Phú Quốc, nghỉ ngơi ở nhà chờ đợi và tranh thủ nạp năng lượng để lên chuyến tàu lúc 7:20am hay 8am.

Tàu đi Nam Du thì bạn nên chọn hãng tàu cao tốc Superdong, đây là hãng đã nổi tiếng về chất lượng và uy tín nhất ở Kiên Giang từ hơn 10 năm nay, giá vé là 210k/ người ( khứ hồi 420k). Bạn có thể đặt vé trước qua hotline hoặc đến trực tiếp phòng vé của công ty như sau:

  • Phòng vé tại Sài Gòn: 12 Nguyễn Ngọc Lộc P.14, Q.10. Phone: (08) 38 666 333.
  • Phòng vé tại Tp.Rạch Giá: 14 Tự Do, P. Vĩnh Thanh TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Phone: (077) 3 877 742.
  • Phòng vé Nam Du: bến tàu Nam Du. Phone: 0914 877 743.
Ảnh – Kimmy
Ảnh – Kimmy
Ảnh – Kimmy
Ảnh – Kimmy

Dĩ nhiên trong trường hợp hết vé bạn phải chọn tàu Ngọc Thành. Và các dịch vụ tour cũng thường đặt sẵn cho bạn vé của các tàu này. Giá vé tàu Ngọc Thành là 205k nhưng chạy chậm hơn Superdong gần 20 phút và khách đi tàu này hơi bát nháo, không được vệ sinh lắm. Nên nhiều du khách đi tour đã chọn cách tự mua vé Superdong và công ty du lịch sẽ trừ số tiền vé tàu này ra. Con tàu là chương đầu của chuyến phiêu lưu, hãy cân nhắc lựa chọn sao cho phù hợp với lịch trình của bạn.

Đi tàu biển là một trải nghiệm tuyệt vời đối với du khách quốc tế nhưng lại là nightmare với người Việt Nam vì dân chúng ta hầu hết đều căn bệnh khó hiểu ‘say tàu xe’. Kinh nghiệm của mình để giảm say tàu xe thì bạn không nên ăn uống quá no, ăn thức ăn chua hoặc nhiều dầu mỡ trước khi khởi hành. Nên uống sẵn thuốc chống ói, mua snack để nhâm nhi và trong thời gian tàu chạy hãy thư giãn bằng cách nghe nhạc bằng earphones để giảm ù tai và cảm giác nôn nao khi xuống tàu. Các bạn nữ ‘mong manh càng đào’ và phụ nữ trung niên là những đối tượng hay nôn nhiều nhất nhưng xin hãy yên tâm vì nhân viên tàu rất chu đáo sẽ phát luôn cả bao nilon cho mọi người. Mách nước kế cuối cùng dành cho mấy bạn sức khoẻ yếu nhưng khao khát phiêu lưu quá cháy bỏng là nên đặt vé ngồi ở tầng dưới, khoang giữa để giảm tối đa độ lắc lư khi gặp sóng của tàu.

Khi tàu đã đến vùng biển nước bắt đầu xanh bạn có thể di chuyển lên boong tàu ngồi để ngắm biển, cũng phải xí chỗ cho sớm vì boong là nơi du khách thoải mái lên hút thuốc và selfie, tuyệt đối không nên đùa giỡn quá mức để đảm bảo an toàn.

Vì là những hành khách đặc biệt nên chúng tôi được phép vào cabin của thuyền trưởng ngồi. Trò chuyện với mấy chú thuỷ thủ đoàn đã trở nên quá quen thuộc với tôi. Hôm ấy, gió trên cấp 5 nên biển cũng hơi ẩm ương vẫy sóng. Nhìn từ cửa sổ cabin, những con sóng trắng li ti nhấp nhô trên biển ấy lại ẩn chứa một sức mạnh đáng ngờ làm tàu lắc lư như con búp bê lật đật. Chú thuyền trưởng với đôi mắt tinh tường và kinh nghiệm dày dặn như có thể nhìn xa cả dặm hải lý, phát hiện ngay mấy chiếc tàu gỗ nhỏ xíu đang thả lưới đánh cá, nếu lơ là đi vào vùng lướt đánh cá ấy hậu quả thật khó lường. Tàu lướt qua hòn tre và dừng lại ở Hòn Sơn vài phút để thả khách xuống bến.

Ảnh – Kimmy
Ảnh – Kimmy
Ảnh – Kimmy
Ảnh – Kimmy
Ảnh – Kimmy

Hòn Sơn hay còn gọi là Hòn Lại Sơn hoặc Hòn Rái, cũng thuộc quần đảo Nam Du nhưng cách 30 phút đi tàu. Tôi cũng đã có lần được thăm thú Hòn Sơn vài năm trước, dân ở đảo này chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản và sản xuất nước mắm. Ở Kiên Giang, nước mắm được phân thành nhiều loại theo tên vùng miền. Nước mắm Phú Quốc thì phải được chưng cất từ cá cơm ở Phú Quốc, dùng loại gỗ bời lời mọc ở rừng Phú Quốc làm thùng đựng; nước mắm Hòn dùng để chỉ nước mắm làm từ các hòn đảo nhỏ khác, loại này rẻ hơn nước mắm PQ một tí; ngoài ra còn có nước mắm được làm ở Rạch Giá như hãng nước mắm Thiên Hương. Trong đó nổi tiếng và được ưa chuộng nhất là nước mắm Phú Quốc. Dạo này social media có vẻ như đang trong cơn khát tìm kiếm những hòn đảo thiên đường trên khắp VN hay sao nên tôi cũng có thấy Hòn Sơn được dân phượt quan tâm khá nhiều. Ý kiến cá nhân tôi cho rằng đi thăm thú Hòn Sơn thì cũng khá thú vị, nhưng chưa đến nổi phải gọi là ‘thiên đường’ vì đảo này các bãi tắm rất nhiều đá, nước biển lại không xanh bằng các hòn xa hơn. Điểm đặc biệt ở Hòn Sơn là có nhiều người cho nổ mìn để khai thác đá, dân bản địa hay dẫn nước suối trên núi về sinh hoạt nên cực kì mát lạnh và rất sạch, trên đảo còn có cung đường đi xuyên qua núi.

2 tiếng trôi qua rất nhanh, tàu sẽ cập bến ở Hòn Lớn, biển xanh, những con thuyền và ngư dân đang phơi cá hiện ra trước mắt bạn hứa hẹn một chuyến đi thú vị, khó quên. Vừa bước xuống tàu đã thấy rất nhiều gánh hàng rong, dân ta lát đát vài người Tây lũ lượt kéo nhau vào đảo. Lưu ý rằng ở Nam Du và những hòn đảo hoang sơ khác nói chung, điện, nước ngọt và xăng dầu là những thứ rất xa xỉ. Bạn tuyệt nhiên sẽ không nhìn thấy một chiếc xe hơi nào ở đây, xe tay ga cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, một số nhà nghỉ đã trang bị máy phát điện và máy lạnh, wifi cho du khách thoải mái hơn và an tâm là vẫn có thể sạc pin dù mỗi ngày đều bị cắt điện. Giá phòng trọ dao động từ 150k-400k. Bạn nên chọn những nhà nghỉ ở bên trái lối vào khu dân cư, vì sân sau nhà sẽ có hướng nhìn ra biển, ngắm mặt trời mọc và lặn trên biển cũng là một thú vui. Có nhìn những người dân bản địa chắc chiu từng giọt nước ngọt mới thấy mình may mắn đến nhường nào. Cho nên bạn hãy cảm thông nếu thấy một cái ly rửa bằng nước bơm vẫn còn đóng phèn, tốt nhất là khi ăn quán cần đem theo thật nhiều nước suối đóng chai. Chú ý khi di chuyển bằng xe máy trên đảo, phải tuân thủ đội helmet kẻo mấy kiến vàng, kiến xanh thổi phạt để xin ‘bánh mì’.

Ảnh – Kimmy

Ảnh – Kimmy

Tôi không muốn mô tả Nam Du như một Malpes Vietnam hay thiên đường như báo chí đã ca ngợi vì cơ bản ‘thiên đường’ trong định nghĩa của mỗi người không giống nhau. Đi Nam Du rất cực và không hợp với các bạn quen đi resort cao cấp, có những lúc hạn hán thiếu nước ngọt thì việc tắm rửa cũng rất khó khăn, dân trên đảo sống vất vả quanh năm, dân trí vẫn còn hạn chế, thức ăn thì có hải sản tươi nhưng trình nấu không ngon và đa dạng như Phú Quốc (có lẽ mình hơi khó tính và không mấy khoái hải sản). Đi dọc những con đường nhỏ xíu như ngõ hẻm, hai bên bày bán những thứ đồ chơi mà giờ chỉ còn trong ký ức của mấy đứa trẻ thế hệ 8 – 9X, những đứa nhỏ da đen nhẻm màu của biển mặn rối rít kéo nhau đi học. Không cần hỏi thì cũng biết những hòn đảo nhỏ như Nam Du chỉ có độc nhất một ngôi trường tiểu học, nếu muốn học lên tiếp thì phải ra Phú Quốc hay đất liền. Tôi tự hỏi tại sao có những nơi đời sống dân chúng còn quá cơ cực, trẻ em không có cơ hội học hành mà quan chức chỉ lo xây dựng những đền đài, tháp truyền hình hàng tỷ đô làm gì.

Ảnh – Kimmy
Ảnh – Kimmy
Ảnh – Kimmy
Đánh giá bài viết này : (5/5) (1 lượt đánh giá)
Tôi là Dương Phan Quốc Văn, hiện là Founder & CEO Công ty cổ phần xây dựng Hải Đăng Travel - đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực du lịch lữ hành.Tôi có hơn 18 năm kinh nghiệm trong ngành Hướng dẫn viên du lịch với kỹ năng chuyên nghiệp và vốn hiểu biết sâu rộng;14 năm xây dựng và phát triển thương hiệu Hải Đăng Travel, dẫn dắt công ty đạt nhiều danh hiệu lớn trong lĩnh vực du lịch như Tập thể lao động tiên tiến năm 2017, bằng khen vinh danh doanh nghiệp có đóng góp phát triển ngành du lịch Phú Yên năm 2016. Ngoài ra, tôi còn được phong tặng danh hiệu: Doanh nhân cống hiến và Doanh nhân trẻ tiêu biểu thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ ngay

Tổng quan bài viết

Bài viết cùng chủ đề

Gọi ngay: 0911.2222.88