Là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam Việt Nam, Chùa Giác Lâm (đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình) còn có tên khác là Cẩm Sơn hay Cẩm Đệm. Chùa có diện tích gần 29.000 m2, nằm trên gò đất cao, xây theo phong cách chùa Nam Bộ nên ban đầu không có cổng tam quan. Đến năm 1955, cổng tam quan mới được xây dựng thêm.
Chùa có mặt bằng dạng chữ tam, gồm ba dãy nhà ngang nối liền nhau đó là: chính điện, giảng đường và nhà trai. Qua ba lần trùng tu lớn, chùa có thêm các công trình như khu tháp tổ, bảo tháp Xá Lợi, khu giảng đường, nhà cốt…
Mái chùa hình bánh ít thường thấy trong kiến trúc Nam Bộ, tạo cảm giác dân dã, gần gũi. Mái gồm bốn vạt với các sống mái thẳng, khác hẳn diềm mái hình đầu đao đặc trưng của kiến trúc miền Bắc. Trên đỉnh mái là hình ảnh “lưỡng long tranh châu” quen thuộc trong văn hóa chùa chiền Việt Nam.
Chính điện xây kiểu nhà cổ với một gian hai chái và tứ trụ. Bên trong điện khá rộng và sâu, có 56 cột lớn màu nâu sẫm. Cột nào cũng được chạm khắc câu đối, sơn son thếp vàng công phu.
Tọa ở trung tâm chính điện là tượng Phật và các bồ tát đặt trên bàn Tam bảo. Phần lớn tượng đều làm bằng gỗ, có tuổi đời hàng trăm năm.
Xung quanh chùa có 113 pho tượng cổ, hầu hết là bằng gỗ, chỉ có 7 tượng đồng. Những bức tượng có giá trị tạc Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thập Bát La Hán… Các pho tượng do nhóm nghệ nhân ở Bình Dương, Cần Đước tạc vào đầu thế kỷ 19.
Đặc biệt, trên đỉnh tường của chính điện là hơn 6.000 đĩa trang trí.
Ngay cạnh chính điện, tháp tổ Hồng Hưng cũng gắn hơn 1.000 đĩa trang trí. Các tháp khác quanh chùa xây dựng từ năm 1900, là nơi đặt hài cốt của các vị hòa thượng từng trụ trì.
Những chiếc đĩa trang trí chủ yếu được nung trong lò gốm tại Lái Thiêu (Bình Dương), một số có xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản… Những đĩa kiểu trang trí được gắn vào khoảng nửa đầu thế kỷ 20.
Với hơn 7.000 đĩa trang trí, chùa Giác Lâm hiện sở hữu kỷ lục: Ngôi chùa có số lượng đĩa kiểu trang trí nhiều nhất Việt Nam.
Trước chùa là Bảo tháp xá lợi 7 tầng hình lục giác. Tháp được khởi công từ năm 1970, nhưng bị tạm ngưng cho đến 1993 mới được tiếp tục xây dựng.
Khu vườn trong khuôn viên chùa rộng lớn với nhiều cây xanh, dưới gốc bài trí am thờ, tượng Phật. Nổi bật là cây bồ đề cổ thụ, được mang về từ đảo quốc Sri Lanka vào năm 1953. Chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất Sài Gòn, được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1988, thu hút nhiều khách tham quan.
Bài viết được sưu tầm. Bàiviết và hình ảnh đăng với mục đích chia sẽ, nếu có vi phạm bản quyên vui lòngliên hệ 19002011, chúng tôi sẽ chỉnh sửa.