7 đặc sản nên thử trong mùa tam giác mạch
25/11/2024
Cháo ấu tẩu, bánh cuốn Đồng Văn, thắng dền, bánh tam giác mạch là những món du khách không nên bỏ lỡ khi tới Hà Giang.
15 lễ hội ngày Tết của Việt Nam không thể bỏ lỡ
Điểm bắn pháo hoa Tết Dương Lịch 2025 đẹp nhất: Bạn đã biết chưa?
Các nước ăn Tết âm giống Việt Nam - Bạn đã biết chưa?
Du lịch Nhật Bản dịp Tết - Đón không khí xuân độc đáo tại xứ Phù Tang
Tết nên đi du lịch nước ngoài ở đâu? Điểm danh những thiên đường du lịch Tết 2025!
Mùa hoa tam giác mạch của Hà Giang bắt đầu từ tháng 10 đến hết tháng 12. Một số điểm mà loài hoa này nở rộ là thung lũng Sủng Là, cột cờ Lũng Cú, sườn đồi Lũng Táo. Trên hành trình, du khách có thể thưởng thức những món ăn sau đây.
Thắng dền
Gần giống bánh trôi tàu, thắng dền ở Hà Giang được làm từ bột gạo nếp. Từng viên bánh được nặn tròn và nhỏ hơn, bên trong không có nhân. Một số quán ăn hiện nay còn cho thêm màu sắc tự nhiên để viên bánh hấp dẫn hơn.
Nước chan nấu từ đường hoa mai và gừng, bên trên rắc lạc rang, vừng và dừa nạo. Khi ăn, thắng dền có vị ngọt thanh, ấm nóng, phù hợp với tiết trời se lạnh ở vùng núi những ngày cuối năm.
Thịt lợn mán quay
Thịt lợn mán có đặc trưng là săn chắc, nhiều nạc và ít mỡ. Thịt có thể dùng để hấp, nướng, xào lăn và quay. Nhiều du khách chọn món quay vì có lớp da giòn, thịt bên trong chín mềm và giữ được vị ngọt tự nhiên. Các quán thường bán theo đĩa với giá 100.000 đồng.
Bánh cuốn Đồng Văn
Khác với bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn Phủ Lý, bánh cuốn vùng cao được ăn kèm với nước ninh xương. Bên trong bát nước dùng ngọt thanh sẽ có thêm giò, rau mùi và hành lá. Bạn có thể cho thêm mắm, chanh, ớt để nước dùng đậm đà hơn.
Ngoài loại bánh nhân thịt băm, mộc nhĩ, du khách có thể thưởng thức qua bánh cuốn trứng với phần nhân chín đào. Mặc dù được bán nhiều nơi trên toàn tỉnh, bánh cuốn ở Đồng Văn vẫn nhận được nhiều lời khen nhất. Bạn có thể tìm ăn thử ở khu phố cổ của huyện. Mỗi đĩa dao động 20.000 – 50.000 đồng một suất tùy theo yêu cầu.
Cháo ấu tẩu
Có một câu nói rằng: “Chưa ăn ấu tẩu thì chưa đến Hà Giang”. Đây là món cháo được nấu với loại củ độc có vị cay tê và mang tính nóng. Sau khi ngâm khoảng 4 tiếng cho mềm, củ được tán thành bột và nấu chung với gạo nếp, gạo tẻ, xương lợn. Phần cháo đặc biệt sánh và thơm, khi ăn có vị đắng nhẹ và những gì lưu lại trong vòm họng là vị ngọt nhẹ. Cháo ấu tẩu có thể được nấu chung với chân giò, trứng. Khi ăn, bạn có thể thêm rau mùi, dấm và hạt tiêu để trọn vị.
Không chỉ có hương vị thơm ngon, cháo ấu tẩu được người địa phương yêu thích vì có tác dụng giảm đau, trừ phong hàn, an thần và giúp ngủ ngon.
Lạp xưởng gác bếp
Lạp xưởng thường được làm từ phần thịt nửa nạc, nửa mỡ của lợn mán. Sau khi xay thịt, ướp cùng rượu trắng, nước gừng và gia vị, người dân sẽ nhồi nhân vào trong lòng non của chính con lợn, rồi châm kim và treo gác bếp cho đến khi săn lại. Lạp xưởng có thể chế biến bằng cách rán, nướng, xào hành và chấm cùng mắm gừng.
Lạp xưởng Hà Giang có vị ngậy, béo, phần vỏ và thịt chắc chứ không mềm bở. Du khách có thể mua loại thịt này về làm quà vì bảo quản được lâu.
Bánh tam giác mạch
Vào mùa tam giác mạch, du khách đừng quên thưởng thức loại bánh cùng tên được làm từ hạt hoa. Để làm nên một chiếc bánh bùi xốp, người dân phải trải qua nhiều công đoạn như xay hạt, nhào bột, đúc bánh và nướng than hồng. Thành quả là loại bánh có màu sậm như nước cà phê sữa. Mỗi chiếc bánh tròn to được bán với giá 10.000 – 15.000 đồng ở các phiên chợ và quầy hàng địa phương. Du khách có thể mua về làm quà nhưng nên ăn sớm vì không để được lâu.
Xôi ngũ sắc
Xôi có 5 màu là đặc sản của người Tày trong mỗi dịp lễ hội và tết truyền thống, tượng trưng cho ngũ hành và sự thịnh vượng, phát đạt. Xôi được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng và thêm màu của gấc, lá gừng, nghệ, quả dành dành và lá cẩm. Món ăn tuy không có nhiều khác biệt về hương vị nhưng màu sắc bắt mắt và gạo dẻo, dễ ăn.
Bài viết được sưu tầm. Bài viết và hình ảnh đăng với mục đích chia sẽ, nếu có vi phạm bản quyên vui lòng liên hệ 19002011, chúng tôi sẽ chỉnh sửa.