CANH CHUA CÁ - MÓN ĂN QUEN THUỘC TRÊN MÂM CƠM NGƯỜI VIỆT NAM
21/11/2024
Nhắc đến ẩm thực miền Nam, canh chua cá luôn là sự lựa chọn cho mâm cơm gia đình cũng như cho hành trình tìm về miền ký ức xưa.
Điểm bắn pháo hoa Tết Dương Lịch 2025 đẹp nhất: Bạn đã biết chưa?
Các nước ăn Tết âm giống Việt Nam - Bạn đã biết chưa?
Du lịch Nhật Bản dịp Tết - Đón không khí xuân độc đáo tại xứ Phù Tang
Tết nên đi du lịch nước ngoài ở đâu? Điểm danh những thiên đường du lịch Tết 2025!
Top 10 địa điểm du lịch Tết ở Đà Nẵng “hot hit” năm 2025
Cách đây hàng trăm năm, nhiều lưu dân Việt dần tiến vào dải đất phía Nam hoang sơ để khai hoang lập đất, tạo nên vùng đồng bằng trù phú, màu mỡ. Trong bối cảnh gian khổ ấy, cha ông ta phải dầm mưa dãi nắng nơi “rừng thiêng nước độc” để sinh tồn. Mọi thứ lá rừng, cây hoang không chứa độc chất đều trở thành rau quả, mọi con vật trên rừng dưới biển đều được dùng làm thức ăn. Việc ăn uống bấy giờ phản chiếu rõ nét cuộc sống chân lấm tay bùn và gắn bó mật thiết với thiên nhiên. Theo thời gian, tất cả dần hình thành nên đặc tính dân dã, phóng khoáng, in đậm truyền thống canh nông trong nếp ăn uống người miền Nam. Hơn nữa, với đặc thù khí hậu nắng nóng, thực đạo miền Nam ngoài kích thích khẩu vị còn phải bổ sung nước cho cơ thể. Do đó, các món canh trở thành món chính trong bữa cơm người miền Nam, đặc biệt là canh chua bởi khả năng giải nhiệt, cấp nước và nạp năng lượng. Mâm cơm mùa nóng có sự hiện diện của canh chua vừa ngon miệng, vừa giúp giải nhiệt và xua tan căng thẳng, mệt nhọc.
Hình ảnh sưu tầm
Thưởng thức canh chua cũng là trải nghiệm vị quê nhà thô sơ, mộc mạc. Bởi nguồn nguyên liệu cá lóc, cá bông lau, cá dứa tươi rói, chắc thịt dễ kiếm ở mọi miền sông nước. Bởi các loại rau thủy sinh như bông súng, bông điên điển, cù nèo thân quen, hài hòa sắc vị. Bởi trái me, trái bần chín, trái khế đồng quyện chung bát hành tỏi phi thơm và nước mắm mặn mà tạo nên cái “hồn cốt” chua thanh, ngọt lành cho nước canh. Với người sành ăn, nồi canh chua chính là “thang thuốc” với đủ thành phần dinh dưỡng và hương vị mặn-ngọt-chua-cay. Mặc dù cái dư vị đã cũ xưa mà sao mình vẫn cảm thấy nồng nàn.
Hình ảnh sưu tầm
Xớt canh ra bát, vừa thổi nhẹ vừa cảm nhận mỹ vị ẩm thực ba miền hài hòa trong bát canh rau cá ngọt lành. Hậu vị đọng lại trên đầu lưỡi là sự kết tinh giữa nét thanh cảnh, nhẹ nhàng, nguyên tắc của ẩm thực Bắc, giữa sự chăm chút cầu kỳ, tỉ mỉ của đất kinh kỳ miền Trung, đồng thời giữ trọn chất khoáng đạt, mạnh mẽ, của “cái đất, cái nước” phương Nam xưa. Trong giản đơn có tinh tế, trong dân dã có cả trang trọng, canh chua chính là thức quà ngon lành nhưng cũng vô cùng cao sang.
Hình ảnh sưu tầm
Vào xế chiều nắng đổ, ngồi ngắm bát canh chua khói tỏa nghi ngút trên mâm cơm nhà như chiêm ngưỡng một tác phẩm hội họa đa sắc màu. Sắc đỏ thắm của cà chua, sắc xanh mạ của dọc mùng, sắc xanh thẫm của đậu bắp, sắc vàng ươm của thơm, sắc trắng tinh tươm của giá và vài lát cá, tất cả tổng hòa trong cùng sắc vàng nâu óng ả của nước dùng được nấu từ me thơm nức.
Cái tinh túy của ẩm thực quê nhà được truyền tải lại trọn vẹn trong điệu ngũ sắc của bát canh chua thắm ngọt tình thân. Mỗi lần trở về quê nhà, có dịp thưởng thức món canh chua mẹ nấu, triền ký ức cũ về mâm cơm gia đình ấm áp, đẹp đẽ ngày ấy trong tôi lại được đánh thức, đau đáu khôn nguôi…