Món hủ tiếu mì hơn nửa thế kỷ mê hoặc người Sài Gòn
23/11/2024
Điều khiến thực khách ấn tượng nhất đối với tô hủ tiếu mì ở đây chính là… miếng cật ‘khủng’, dai giòn, hương vị đậm đà, quyến rũ!
15 lễ hội ngày Tết không thể bỏ qua tại Việt Nam
Điểm bắn pháo hoa Tết Dương Lịch 2025 đẹp nhất: Bạn đã biết chưa?
Các nước ăn Tết âm giống Việt Nam - Bạn đã biết chưa?
Du lịch Nhật Bản dịp Tết - Đón không khí xuân độc đáo tại xứ Phù Tang
Tết nên đi du lịch nước ngoài ở đâu? Điểm danh những thiên đường du lịch Tết 2025!
Hơn 60 năm qua, quán hủ tiếu mì thập cẩm, hay còn có tên gọi khác là “hủ tiếu mì cật”, nằm ngay số nhà 64 Trương Định (phường Bến Thành, quận 1) vẫn luôn tấp nập khách ra vào mỗi ngày.
Quán nằm lọt thỏm ngay khu trung tâm quận 1, song vẫn nổi bật lên bởi cái nét mộc mạc tự nhiên mà chỉ những hàng quán lâu năm thực sự mới có được. Từ ngoài đi vào thực khách sẽ bắt gặp ngay khu vực bếp nấu nướng được kê phía bên phải.
Chọn vị trí ngồi phía trong cùng của quán để dễ quan sát, tôi gọi cho mình một hủ tiếu, mì cật và không quên dặn nhân viên “thêm một hủ tiếu, mì thập cẩm, nhưng đợi chị ăn xong tô này rồi mang ra nha”.
Chủ quán cho một ít giá, một vắt mì và một vốc sợi hủ tiếu vào cái vá có lỗ to để trụng qua nồi nước sôi, rồi cho hủ tiếu mì vào một cái tô sạch để sẵn. Tiếp theo, chủ quán nêm chút gia vị như ớt sa tế, tiêu và một loại nước xốt khá sệt, có màu gần giống như chao rồi trộn đều lên, sau đó cho lên trên tô hủ tiếu mì những miếng cật, thịt nạc bằm, chan thêm vá nước lèo nóng hổi, thơm lừng mùi xương ống hầm kỹ. Cuối cùng, chủ quán rắc lên bên trên hành ngò và lá hẹ cắt khúc rồi đem ra cho khách thưởng thức.
Khách quan mà nói, sợi hủ tiếu, mì trong một tô nhìn khá ít, suy nghĩ đầu tiên của thực khách sẽ là “ít vậy ăn sao no”. Nhưng bù lại, những miếng cật trong tô lại to và dài ấn tượng. Khi ăn, độ dai của sợi hủ tiếu và mì, cái vị ngọt béo của nước lèo và dai giòn của cật hòa quyện lại, chắc chắn tạo cho thực khách cảm giác “vừa đủ”.
Dĩ nhiên, khi thưởng thức món ăn thì tốt nhất là không ăn quá no, cũng không quá ít, ăn vừa đủ là thứ cảm giác tuyệt vời nhất của một “người sành ăn”.
“Hủ tiếu cật không phải chỉ duy nhất chỗ này mới có, cũng nhiều quán bán nhưng không đâu ngon bằng đây. Theo cảm nhận của riêng tôi thì cật là loại thực phẩm dễ chế biến, nhưng để chế biến thành món ngon thì rất khó. Bời vì mùi đặc trưng của cật khá là tanh, hôi, nhiều quán tôi ăn nghe mùi nồng khó chịu lắm. Nhưng đặc biệt là quán ở đây làm cật rất ngon, ăn không hề có mùi tanh gì, miếng nào ra miếng nấy, ăn đáng đồng tiền”, một thực khách tên Văn Hùng (40 tuổi) nhận xét.
Ngoài ra, sợi hủ tiếu và mì ở đây cũng khá đặc biệt. Chủ quán cho biết: “Mì là do nhà tôi tự làm theo công thức gia truyền, nên nếu khách để ý kỹ sẽ thấy sợi mì to và tròn hơn mì những chỗ khác. Hủ tiếu thì sẽ có hai loại là hủ tiếu dai và hủ tiếu mềm. Cọng hủ tiếu này tôi lấy từ các lò hủ tiếu bột lọc gia truyền tại Sa Đéc và được bảo quản kỹ nên cọng hủ tiếu lúc nào cũng còn tươi dai mà không bị khô hay gãy”.
Một trong những điểm khác biệt của quán, tạo cảm giác thích thú cho thực khách chính là những tấm “menu kiêm bảng giá nhân”, với cách tính tiền nhân theo số lượng tô, được chủ quán dán trên tường. Nhiều người hài hước nói: “Nhìn menu như vậy, đi ăn cả nhóm cũng dễ chia tiền, mình đi ăn cũng đỡ tính nhẩm”.
Bên cạnh món hủ tiếu mì cật nổi tiếng thì quán còn có hủ tiếu xương. Cũng như hủ tiếu mì cật, mỗi tô hủ tiếu xương đều rất chất lượng với phần xương to và đầy thịt, được ninh mềm vừa ăn, hương vị nêm nếm đậm đà.
Chị Ngọc Anh (35 tuổi), khách quen của quán chia sẻ: “Tôi ăn ở đây thì thích nhất là nước chấm ớt sa tế của quán, cái này bà chủ tự làm luôn đó. Bữa tôi thấy ngon nên hỏi để mua về ăn thì được bà chỉ là nấu ớt với dấm, nước tương, nêm thêm chút đường nữa. Về nhà tôi cũng tập làm mà không có vị ngon như vậy, chắc cũng nhờ thứ ớt sa tế này mà hủ tiếu mì ở đây mới có vị đặc trưng, không nơi đâu có được”.