Cây nằm trong khu di tích Giàn Gừa thuộc ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Theo người dân ở đây, dù từng bị chiến tranh tàn phá, cây hiện có tán rộng khoảng 3.000 mét vuông, chiều cao trung bình hơn 10 mét.
Cây gừa hay Si có tên khoa học là Ficus Microcarpa, thuộc họ Dâu Tằm. Đây là cây thân gỗ, các rễ phụ theo thời gian mọc từ thân và các cành trên cao. “Chưa ai đếm được chính xác cây có bao nhiêu rễ nhưng chắc chắn hơn nghìn chiếc. Vì có nhiều rễ như thế cây mới hút đầy đủ nước và chất dinh dưỡng để duy trì sự sống”, bà Ba Hờn (64 tuổi), người phụ dọn dẹp tại khu di tích, nói.
Đến nay chưa ai biết rõ nguồn gốc của giàn gừa này. Nhiều người dân sống lâu năm ở khu vực như bà Ba đều khẳng định lúc họ còn nhỏ, giàn gừa đã che phủ cả một vùng rộng lớn. Nhiều rễ con vẫn tiếp tục mọc trên thân cành.
Tuy là cổ thụ, cây có các gốc chính không quá to, cành to nhất cũng chỉ bằng nửa vòng tay của người lớn. Nhiều thân cây sần sùi theo thời gian.
Gốc cây đầu tiên ngày nay đã không còn. Người dân đánh dấu (như trong ảnh) để ghi nhớ vị trí của nó, giữa khoảng sân ngay lối vào khu di tích. Tại đây còn có Cổ Miếu Bà, nơi sinh hoạt tâm linh của người địa phương.
Khu di tích Giàn Gừa đã được UBND TP Cần Thơ xếp hạng là Di tích lịch sử cấp thành phố vào tháng 4/2013. Đây cũng là Cây Di sản Việt Nam đầu tiên tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Dưới những tán cây xum xuê này từng là cơ sở cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ của quân dân nơi này.
Những cành gừa uốn lượn, ngoằn ngoèo đan vào nhau chằng chịt trên không trung, dưới mặt đất tạo thành một không gian huyền bí. Bạn phải cúi thấp người để len lỏi vào bên trong, càng tiến vào sâu, du khách như lạc vào mê cung.
Giàn gừa mọc ra bên ngoài khuôn viên miếu, che mát cho lối đi. Có 2 lối đi đến Di tích lịch sử Giàn Gừa. Từ trung tâm TP Cần Thơ, du khách chạy theo hướng đường Vòng Cung trên địa bàn xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, qua phà đến xã Nhơn Nghĩa rồi hỏi thăm đường đi. Hoặc bạn đi từ Cần Thơ hướng về Hậu Giang, rẽ vào quốc lộ 61B (đường đi Vị Thanh), đến gần chân cầu Rạch Sung thì rẽ trái sẽ thấy bảng chỉ dẫn đường vào di tích.
Khu di tích không thu tiền vé tham quan. Theo bà Ba Hờn, buổi sáng là thời điểm nơi này đón đông du khách nước ngoài. “Còn khách Việt thường đi vào trưa và xế chiều”, bà nói.
Bà Ba Hờn (ảnh) cho biết, hiện có 4 tổ được lập ra để luân phiên nhau dọn dẹp, chăm sóc cây. “Chúng tôi mỗi người làm một ngày. Công việc đơn giản là đảm bảo vệ sinh và nhắc nhở du khách tham quan không làm tổn hại đến cây”, bà nói.
Bài viết được sưu tầm. Bàiviết và hình ảnh đăng với mục đích chia sẽ, nếu có vi phạm bản quyên vui lòngliên hệ 19002011, chúng tôi sẽ chỉnh sửa.