Wat Phou một thời vang bóng
11/09/2024
Không hoành tráng và kỳ vĩ như Angkor Wat nhưng Wat Phou ở Pakse, Lào lại mang lại cảm giác yên bình, thư thái và rất giản dị.
Cầu treo Kon Tu Rằng - Điểm đến lý tưởng để Check-in sống ảo
Hồ Đam Bri - Điểm du lịch thư giãn với vẻ đẹp đầy thơ mộng
Khám phá Top 10 nhà hàng Măng Đen bạn nhất định phải ghé để thưởng thức đặc sản vùng đất này
Tham quan trang trại dê sữa Măng Đen, trang trại dê sữa lớn nhất Việt Nam
Khám phá Vườn quốc gia Tà Đùng "Hòn ngọc xanh của Tây Nguyên"
Wat Phou nằm ở Pakse thuộc tỉnh Champasak ở phía tây nam Lào, giáp biên giới với Thái Lan và Campuchia. Ngôi đền cổ này có niên đại từ thế kỷ thứ 5, từng là trung tâm của đạo Hindu, thờ thần Shiva.
Wat Phou còn được gọi là “chùa Núi” bởi nó tọa lạc dưới chân núi Phou Kao (núi Voi). Truyền thuyết và lịch sử Lào xác định đó là đền thờ thần Badhecvara, được xây dựng từ thế kỷ thứ V và thứ VII. Nơi đây còn có thành Crethapura, kinh đô đầu tiên của vương quốc Chân Lạp.
Khi Phật giáo trở thành Quốc giáo của đất nước Triệu Voi thì Wat Phou được trùng tu, biến đổi thành một ngôi chùa thờ Phật.
Ngày nay lễ Wat Phou là lễ hội Phật giáo của cả vùng Nam Lào, một trong những lễ hội lớn nhất ở Lào, được tổ chức liên tục trong 3 ngày vào dịp rằm tháng 3 âm lịch.
Wat Phou đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 2001.
Du lịch Lào, tôi đến Wat Phou vào một ngày có nắng đổ lửa. Từ Pakse tôi thuê một chiếc tuk tuk chở tới ngôi đền nhiều giá trị lịch sử này. Wat Phou cách Pakse khoảng 40km, đi mất 1 giờ đồng hồ.
Trên đường tới Wat Phou bạn sẽ đi qua rất nhiều ngôi làng bình yên dưới tán cây xanh mát, qua những cánh đồng lúa xanh tương tự như cảnh làng quê của Việt Nam.
Ở cổng chính Wat Phou có hơn 100 trụ Linga dẫn đường đến lối lên đền thờ chính. Cuối con đường lộ ra hai ngôi đền chính, hướng về phía đông, đối xứng với nhau.
Mặt trước của hai ngôi đền tuy đã đổ nát nhưng vẫn có thể nhận ra những bức phù điêu chạm khắc các vị thần của Ấn Độ.
Những bậc đá dẫn lên hai ngôi đền chính được bao bọc bởi hai hàng cây xanh mướt, khiến tôi thấy rất thoải mái và dễ chịu trong tiết trời nóng oi ả của những ngày tháng 4.
Xung quanh đền bán rất nhiều hoa và đồ cúng đặc trưng của Lào, tôi mua những bông hoa được kết rất dễ thương đặt lên những tượng Phật, thầm cầu nguyện và bày tỏ lòng thành kính.
Tôi đã dành cả nửa buổi ngồi yên lặng ngắm nhìn những trụ đá bị bỏ chỏng chơ trên nền đất từ rất lâu, nhìn từng ô cửa sổ còn sót lại, phóng tầm mắt ra xa để thấy quang cảnh xung quanh Wat Phou trải dài rất đẹp.
Thời vàng son có lẽ Wat Phou rất nhộn nhịp với những nghi lễ hoành tráng, thế mà bây giờ ngôi đền nằm lặng lẽ và im lìm dưới những bóng cây, không khí và quang cảnh rất tĩnh mịch và yên ắng. Tôi cũng thầm khâm phục những người đã xây dựng nên ngôi đền này.
Cách đây hàng chục thế kỷ, với những phương tiện thô sơ không hề có công nghệ xây dựng tân tiến như bây giờ, bằng bao nhiêu công sức, mồ hôi và cả máu đổ mới có thể đẽo gọt, vận chuyển những khối đá lớn và mài dũa, chạm khắc hoa văn để thành một Wat Phou như ngày nay.
Hàng ngàn năm đã trôi qua, bất chấp khí hậu khắc nghiệt ở vùng Nam Lào và sự tàn phá của thời gian, Wat Phou vẫn là một điểm đến hấp dẫn bởi yếu tố tâm linh, bởi vẻ đẹp vừa kỳ vĩ vừa giản dị.
Nơi đây vẫn là một quần thể kiến trúc tôn giáo quan trọng, lưu giữ các giá trị về lịch sử và văn hóa Lào. Và dĩ nhiên Wat Phou là một điểm phải đến khi bạn có dịp ghé thăm Pakse trên dặm đường chu du của mình trong chuyến du lịch Lào.
Bài viết được sưu tầm. Bài viết và hình ảnh đăng với mục đích chia sẽ, nếucó vi phạm bản quyên vui lòng liên hệ 19002011, chúng tôi sẽ chỉnh sửa