Xuôi Dòng Đất Mũi - Thiêng Liêng Niềm Tự Hào Dân Tộc
22/11/2024
Từ thời đi học cho đến tận bây giờ, tôi luôn say mê những nhà văn phương Nam như Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Anh Đức,… sau này là Nguyễn Ngọc Tư. Những câu chữ mộc mạc nhưng sống động, giàu sắc thái và đầy bản sắc về quê hương, đất nước, con người ở vùng đất Nam Bộ thân yêu. Đặc biệt, câu văn miêu tả Đất Mũi Cà Mau trong “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi “Càng đổ gần về hướng mũi Cà Mau thì sông ngòi, kênh rạch càng bủa giăng chi chít như mạng nhện. Trên thì trời xanh dưới thì nước xanh, chung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá” luôn in sâu và thôi thúc tôi tìm về dải đất tận cùng của Tổ quốc.
15 lễ hội ngày Tết không thể bỏ qua tại Việt Nam
Điểm bắn pháo hoa Tết Dương Lịch 2025 đẹp nhất: Bạn đã biết chưa?
Các nước ăn Tết âm giống Việt Nam - Bạn đã biết chưa?
Du lịch Nhật Bản dịp Tết - Đón không khí xuân độc đáo tại xứ Phù Tang
Tết nên đi du lịch nước ngoài ở đâu? Điểm danh những thiên đường du lịch Tết 2025!
Rừng U Minh bạt ngàn một màu xanh - Ảnh: Địa điểm Du Lịch
XUÔI DÒNG CÀ MAU
Chúng tôi có mặt tại bến tàu cao tốc đi Đất Mũi ở thành phố Cà Mau khi trời còn tờ mờ sáng. Bến tàu nhỏ nhưng khá tấp nập. Khoảng 6 giờ 30, chiếc ca nô rẽ sóng đưa chúng tôi xuôi dòng sông nước đến Đất Mũi xa xôi. Vốn sinh ra và lớn lên tại vùng biển nên tôi không xa lạ gì với gió và nước. Nhưng cảm giác bồng bềnh trên sông nước cùng sự háo hức của lần đầu tiên đến Đất Mũi khiến tôi nôn nao khó tả.
Nhịp sống rộn ràng trên sông nước Cà Mau (Năm Căn) - Ảnh: Tui Tí
Tôi không thể nào quên vị mặn lờ lợ do gió quất rần rặt và nước bắn tung tóe vào mặt. Chiếc ca nô như chàng trai trẻ đầy sức sống lướt vùn vụt trên dòng sông to rộng, không thua gì sông Hậu.Tôi thích thú ngắm những ngôi nhà nổi, những trạm xăng dầu, tiệm tạp hóa lềnh bềnh trên mặt nước. Ở miệt này, mọi hoạt động sinh hoạt của bà con đều diễn ra trên sông, tấp nập và náo nhiệt không thua gì trên đất liền. Cảm giác thật thú vị khi thấy người dân đứng bên sông vẫy vẫy, chiếc ca nô từ từ giảm tốc rồi cập bến để đón khách. Thật sự, cảm giác này làm tôi có đôi lúc nghĩ mình đang vi vu trên một chuyến xe buýt dạo quanh trung tâm phố xá.
Ca nô rẽ sống xuôi dòng Đât Mũi vào buổi chiều hạ vàng - Ảnh: Nguyễn Thành Luy
Hết đoạn sông lớn rồi đến đoạn sông nhỏ, chiếc ca nô lướt sóng trên dòng nước trong xanh và mát rượi. Men theo những kênh rạch dẫn vào Đất Mũi, tôi đi xuyên qua những rừng cây đước, sú, vẹt xanh rì, xen lẫn những ngôi nhà thấp thoáng trong bóng cây.
ĐẤT MŨI KHÔNG XA
Mỗi lần nghe bài “Áo mới Cà Mau” của nhạc sỹ Thanh Sơn với câu hát “Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam”, tôi luôn nghĩ rằng Cà Mau xa lắm và Đất Mũi còn xa xa hơn nữa.
Bờ Tây Đất Mũi Cà Mau - Ảnh: Bui Hai Quynh
Vậy mà chỉ hơn 3 giờ bồng bềnh sông nước, tôi đã được đặt chân đến mảnh đất ngỡ rất xa xôi này. Đất Mũi đón chúng tôi bằng một cơn mưa phùn lất phất. Theo lời khuyên của người dân địa phương, chúng tôi chọn một quán cà phê ngay cạnh chợ Đất Mũi để nghỉ ngơi và chờ mưa ngớt hạt. Nhâm nhi một ly cà phê và quan sát xung quanh, tôi không tin là mình đang hiện diện tại dải đất cuối cùng của Việt Nam bởi sự náo nhiệt và sôi động của cuộc sống nơi đây.
Buổi sáng yên bình ở Cà Mau - Ảnh: Bao Nguyen
Mưa dần ngớt hạt. Chúng tôi chọn xe ôm để di chuyển vào Đất Mũi bởi sự dễ thương và gần gũi của các anh lái xe. Dọc đường từ chợ Đất Mũi vào khu du lịch Mũi Cà Mau, anh lái xe nhiệt tình chia sẻ về con người và cuộc sống nơi đây. Câu chuyện mộc mạc và nhẹ nhàng giúp cho đoạn đường nhỏ và ngoằn nghèo bỗng nhiên gần hơn.
Như bao người dân Việt Nam khác, việc đầu tiên của chúng tôi khi đến Khu du lịch Mũi Cà Mau là đi thăm cột mốc MŨI CÀ MAU ở 8o37'30" vĩ độ bắc, 104o43" kinh độ đông. Cột mốc hình cánh buồm trên con thuyền lướt sóng, cách cột mốc cây số 0 ở Hữu Nghị Quan, Lạng Sơn 2.354 km. Một cảm giác xúc động bao trùm. Mặc cái nắng đang thiêu đốt, chúng tôi ai cũng loanh quanh ngắm nghía cột mốc tọa độ và chần chừ không muốn rời.
Xung quanh Mũi Cà Mau là vùng biển cạn. Hàng năm đất lấn ra biển hàng trăm thước. Vì vậy mà người dân Đất Mũi luôn tự hào vì “Đất nở ra, rừng biết đi và biển sinh sôi”. Và Mũi Cà Mau cũng là nơi duy nhất trên đất liền Việt Nam có thể thấy mặt trời mọc ở biển Đông và lặn ở biển Tây.
Rừng U Minh Hạ, Cà Mau - Ảnh: Khai Nguyen
Rời dải đất cuối cùng của Tổ quốc, chúng tôi trèo lên Ðài quan sát cao 15 mét để nhìn ngắm rõ hơn mũi Cà Mau thân yêu. Trên Ðài quan sát, chúng tôi còn ngất ngây chiêm ngưỡng một màu xanh um của rừng tràm U Minh xen lẫn những dòng sông, kênh rạch chằng chịt phía xa xa.
Thân thương vùng Đất Mũi Cà Mau - Ảnh: Linh Nguyen tuan
Trên đoạn đường trở ra chợ Đất Mũi, với ánh mắt vui mừng và giọng nói phấn khởi, anh lái xe kể cho tôi về tuyến đường Đất Mũi – Năm Căn sẽ được hoàn thành trong tương lai không xa. Và niềm vui ấy không chỉ dành cho anh – người con vốn sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này mà còn dành cho tôi, cho những người con khác của đất nước Việt Nam vì giấc mơ xuôi về Đất Mũi bằng đường bộ sẽ không còn xa vời nữa.
THƯƠNG LẮM ĐẤT MŨI
Bao la biển rừng Tổ quốc ở U Minh Hạ - Ảnh: Khai Nguyen
Trong tâm thức của người Việt Nam, Mũi Cà Mau luôn có ý nghĩa thiêng liêng khi là một điểm xác nhận chủ quyền của đất nước. Dải đất này đang tiến ra biển Tây (Vịnh Thái Lan) với tốc độ từ 50 đến 80 mét mỗi năm. Người dân Cà Mau bảo rằng "Mắm đi trước, đước theo sau" trên hành trình lấn biển. Ðước và mắm là hai loại cây lạ lùng, đầy cá tính như những người con Đất Mũi hiền hòa nhưng kiên cường bám trụ giữa sóng gió biển khơi để canh giữ từng mảnh đất của Tổ quốc.
Chiều hoàng hôn ở Đất Mũi - Ảnh: Cao Doan
Trong ánh hoàng hôn, chúng tôi rời Đất Mũi vừa ngân nga câu hát “Ơi đất mũi Cà Mau nên thơ và đẹp giàu. Hôm nay đầy tự hào đi lên lòng dạt dào, dựng xây cuộc sống mới”. Và tôi tin rằng hình ảnh Đất Mũi thân thương, thanh bình sẽ mãi không phai trong trái tim của những ai đã từng đặt chân đến mảnh đất này. Riêng tôi, tôi sẽ không bao giờ quên cảm xúc thiêng liêng khi đặt chân lên dải đất tận cùng của đất nước với hệ thống kênh chằng chịt, những hàng đước, hàng mắm dài vô tận, món ba khía ăn hoài không ngán, những con người chân chất hiền hòa, và một mũi đất nặng phù sa vẫn âm thầm tiến ra biển lớn hàng năm.